Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rau thơm Kẻ Láng còn không ?

ANHTHU| 26/03/2006 08:11

Vẫn chỉ là ngọn rau thơm, cọng hành hoa nhưng phải trồng trên đất của làng Láng thì mới có được mùi hương đặc trưng của thứ rau húng nức tiếng Kinh kỳ. Chẳng biết ai là người đầu tiên tìm ra vị thơm của húng Láng, nhưng ăn húng Láng đã thành văn hóa ẩm thực của người Hà Nội rồi.

Vẫn chỉ là ngọn rau thơm, cọng hành hoa nhưng phải trồng trên đất của làng Láng thì mới có được mùi hương đặc trưng của thứ rau húng nức tiếng Kinh kỳ. Chẳng biết ai là người đầu tiên tìm ra vị thơm của húng Láng, nhưng ăn húng Láng đã thành văn hóa ẩm thực của người Hà Nội rồi.

Trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong chục năm, làng Láng ban đầu nằm xa trung tâm Hà Nội mà bây giờ đã nằm trọn trong lòng thành phố. Đất đai lên giá, những ruộng rau thơm trước kia bị biến thành biệt thự, thành nhà ống phân lô. Cũng thật may, cho đến tận bây giờ cho dù đào Nhật Tân bị chuyển ra bãi sông Hồng thì làng Láng vẫn còn những ruộng húng, rau thơm hàng ngày cung cấp cho người Hà Nội.

Đất làm nên vị húng

Đất Láng thật lạ, chẳng rõ trong đất, trong mạch nước ngầm của làng Láng có chất gì mà húng chỉ có trồng ở đất này mới cho vị thơm đặc biệt như thế. Cây húng trồng ở đâu cũng được nhưng nếu đem nó ra khỏi đất Láng thì mùi thơm dịu đã không còn thanh tao nữa. Cây thơm lại trồng ở đất Láng có vị thơm rất nhẹ, cọng màu tía thanh thanh, lá cây nhỏ dìa. Nhưng đem trồng ra đất khác, chỉ cần cách Láng vài cây số thôi là lá cây đã to tròn, mùi thơm thì sặc mùi bạc hà, khi ấy, người ta gọi nó là bạc hà chứ không còn là thơm lai nữa. Húng Láng vì thế trở thành thứ gia vị độc nhất vô nhị.

Có thể hiểu rau thơm Láng theo hai nghĩa, một là các loại rau thơm trồng ở đất Láng như húng quế, thơm lai, rau răm, tía tô, kinh giới; hai là có một loại húng riêng đặt tên là húng Láng. Nhưng tất cả các loại rau thơm nếu trồng ở đất Láng thì đều có mùi vị đặc trưng thơm dịu thanh tao. Cây húng cọng nhỏ, lá nhỏ, cây chỉ cao hơn gang tay là đã hái chứ không để cao ngống lên. Hành hoa trồng ở Láng cọng cũng không to mà nhỏ, củ thanh trắng nõn, rễ ngắn mà mùi thơm thì chẳng hành nơi nào có được.

Với người Hà Nội sành ăn, rau thơm nhất định phải trồng ở đất Láng, món gì thì gia vị phải như thế. Thịt gà không thể ăn cùng kinh giới. Nhưng chả cá thì nhất định phải hành, thì là, “húng Láng”, thơm lai. Lòng lợn, tiết canh đi với húng quế, hành hoa. Trứng vịt lộn ăn với rau răm. Cà bung thì có tía tô. Chả thế mà nhà hàng nổi tiếng chả cá Lã Vọng ngày nào cũng phải đặt mua riêng hành hoa, thì là của làng Láng.

Người giữ lấy vị húng

Đất Láng xưa giờ thành hai phường Láng Hạ, Láng Thượng, đi trên phố Chùa Láng vẫn thấy còn những mảnh ruộng trồng rau thơm. Làng Láng còn trồng thêm cả chuối hột cho người Hà Nội ăn ghém, ăn bún ốc, bún riêu. Bà Trương Thị Định (66 tuổi) người đã gắn bó với nghề trồng rau thơm đất Láng từ thủa thiếu nữ kể: “Nhà tôi trồng rau thơm từ trước khi có hợp tác xã từ những năm sáu mươi, sáu mốt. Giờ thì làng vẫn trồng húng, cải cúc, ngải cứu và cả chuối hột nữa. Hàng ngày, toàn khách quen vào mua. Mỗi ngày thu nhập cũng chỉ được hơn chục nghìn đồng nhưng đây là đặc sản làng Láng tôi không bỏ, cứ trồng đến khi hết đất thì thôi”.

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến cho mỗi mét đất Láng giờ có giá trị cả chục cây vàng, cũng may vẫn còn giữ được những ruộng rau thơm. Nhưng rồi biết thế nào được, Hà Nội vẫn còn cốm do người làng Vòng làm nhưng lúa nếp là của Mễ Trì. Đào Nhật Tân đã di ra bãi sông Hồng. Làng Ngọc Hà cũng không còn hoa nữa. Người Hà Nội vốn sành ăn, món nào gia vị nấy. Cây húng Láng đã có mặt trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội từ lâu rồi. Nhưng nhiều người Hà Nội vẫn sợ sẽ có một ngày cái vị thơm của húng Láng cũng sẽ không còn nữa. Đến lúc ấy chỉ có ngậm ngùi nhớ lại vị thơm của húng qua những câu ca dao cổ “Rau thơm, rau húng, rau mùi. Thì là, cải cúc, đủ mùi hành, răm”. Thôi chả biết thế nào, húng Láng vẫn đang còn thì cứ thưởng thức đã, nhưng vẫn lo sau này có còn húng Láng mà làm gia vị nữa không.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rau thơm Kẻ Láng còn không ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.