Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Bạc - Phố nghề kim hoàn của Hà Nội

NGOHUONG| 31/03/2006 14:56

Một trong 36 phố phường cổ Hà Nội- phố Hàng Bạc dài gần 300mét, nổi tiếng bởi nghề kim hoàn lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ thời khai sinh đến nay, con phố vẫn lung linh, rực rỡ bởi những tủ đựng đồ trang sức làm mê đắm và níu giữ chân du khách.

Một góc phố Hàng Bạc

Một trong 36 phố phường cổ Hà Nội- phố Hàng Bạc dài gần 300mét, nổi tiếng bởi nghề kim hoàn lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ thời khai sinh đến nay, con phố vẫn lung linh, rực rỡ bởi những tủ đựng đồ trang sức làm mê đắm và níu giữ chân du khách.

Theo những người sống lâu năm ở con phố này, Hàng Bạc được ra đời vào thời vua Lê Thánh Tông (giữa thế kỷ XV), đến những năm đầu thế kỷ 20, phố Hàng Bạc còn có tên Pháp là Rue de Changeurs (phố Đổi Bạc). Phố Hàng Bạc là nơi tập trung những người thợ tinh xảo chế tác đồ vàng, bạc của đất kinh kỳ. Những người làm nghề ở đây ngoài một số người dân gốc Hà Nội còn phần lớn là những người dân của 3 làng Châu Khê (Hải Dương), Định Công (Thanh Trì-Hà Nội) và Đồng Xâm (Thánh Hoá) di cư đến.

Các cụ cho biết, dưới thời Vua Lê Thánh Tông, quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, là người Châu Khê được triều đình giao cho việc lập xưởng đúc bạc nén (đơn vị tiền tệ lúc bấy giờ) tại kinh thành Thăng Long. Ông Tín đã đưa thợ ở Châu Khê tới kinh thành lập xưởng, dần dần cùng với nghề đúc bạc, thợ Châu Khê làm cả nghề trang trí vàng, bạc. Đến đầu thế kỷ 19, vua Gia Long đã chuyển xưởng đúc bạc vào Huế, nhưng phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Thăng Long làm nghề kim hoàn. Họ lập thành phường thợ tại phố Hàng Bạc ngày nay và trong phường này có người chuyên sản xuất, người chuyên mua bán làm cho con phố này lúc nào cũng sầm uất và tấp nập.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Dậu, 74 tuổi, ở số 43, người gốc Châu Khê, đã có 40 năm làm nghề cho biết, người thợ kim hoàn ở phố này thường chạm khắc ra các đồ vàng bạc theo mẫu trang trí nhất định như Tứ linh (Long-Ly-Quy-Phượng) là loại mẫu phổ biến nhất. Ngoài ra, người thợ còn chạm trổ hình ảnh con người, hoặc hình ảnh các loại cây mà theo quan niệm phương Đông là tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của người quân tử như trúc, mai, lan, cúc.

Ngày nay, bên cạnh những người thợ kim hoàn có kinh nghiệm ba, bốn chục năm như ông Dậu hoặc ông Phạm Đình Tâm, 70 tuổi, ở nhà số 10, còn có một lớp đông đảo thợ trẻ cũng say sưa với nghề. Các cửa hàng vàng, bạc ở phố này đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm trang sức như hoa tai, xuyến, nhẫn, vòng, dây chuyền...tinh xảo, hợp thời trang. Từ những kỹ thuật cổ truyền, người thợ kim hoàn ở đây đã sáng tạo ra nhiều kiểu dáng, mẫu mã, hoa văn mới đáp ứng mọi thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Dậu cho biết, ngoài việc nắm vững kỹ thuật của nghề, người thợ kim hoàn phải có đức tính cần mẫn, tỉ mỉ, và trên hết là niềm đam mê với nghề, bởi mặc dù chế tác vàng bạc bây giờ đã có các thiết bị kỹ thuật hiện đại, nhưng vẫn cần có những kỹ xảo thủ công độc đáo mà máy móc cũng không có thể thay thế được.

Ngày nay, nghề buôn bán, trao đổi vàng, bạc không chỉ tập trung ở phố Hàng Bạc mà còn ở nhiều phố khác trong thành phố, nhưng Hàng Bạc vẫn là nơi tập trung những người thợ kim hoàn tinh xảo và lâu đời nhất với những cái tên như Kim Thịnh, Vân Dung và cũng là khu phố buôn bán, vàng bạc, đồ trang sức tấp nập nhất Hà Nội.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng Bạc - Phố nghề kim hoàn của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.