Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhùng nhằng tình - lý

Bài và ảnh: Minh Phú| 18/12/2011 07:10

(HNM) - Về xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, đi đến đâu cũng gặp ngói. Ngói phơi ở ven các con đường làng, ngoài đồng ruộng, ngói thành phẩm chất đầy trong mỗi sân nhà.

Làm ngói mũi hài ở xã Kim Quan, huyện Thạch Thất.


Nghề làm gạch, ngói cổ ở Kim Quan có từ bao giờ không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng, đây là nghề cha truyền con nối hàng trăm năm qua ở làng. Mỗi khi lò ngói đỏ lửa, cuộc sống của dân làng lại càng phồn thịnh. Cụ Đỗ Văn Hứa, năm nay 92 tuổi kể lại, xã Kim Quan nằm ven dòng sông Tích, cách đây hàng trăm năm, đê điều chưa hoàn thiện, người dân trong xã chỉ cấy được một vụ lúa chiêm, cuộc sống người dân đói kém. Các bô lão trong làng đã tìm nghề phụ để mưu sinh. Lúc đó, Kim Quan còn là vùng rừng rậm, đi lại bằng thuyền đò phức tạp, nên các cụ đã chọn nghề làm gạch ngói, không phải đi xa lại tận dụng được nguyên liệu và nhân lực để làm nghề. Từ đó tới nay, nghề có lúc thịnh, lúc suy, gần đây nhất là những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người làng ngừng làm ngói    để tập trung sản xuất nông nghiệp, chi viện sức người, sức của cho kháng chiến. Sau năm 1975, đời sống nhân dân dần ổn định, HTX đã đứng ra khôi phục lại nghề làm ngói cổ. Từ 3 lò do HTX quản lý vài năm đã phát triển ra 60 lò.

Cụ Cấn Văn Nhặt, đội 8, xã Kim Quan 88 tuổi, nhưng còn rất minh mẫn, tâm sự: Giữa ngày đông, mưa phùn rét mướt mà cụ vẫn nhanh nhẹn đốt lò cùng con cháu. Cụ bảo, còn sống thêm ngày nào, còn cố bảo ban lớp trẻ về kỹ thuật làm các mẫu hoa văn trên ngói cổ, để nghề cổ không bị thất truyền. Bắt đầu biết phụ giúp cha mẹ đốt gạch từ năm lên 10 tuổi, nay đã bước sang tuổi "cổ lai hy", cụ Nhặt nhận thấy nghề làm ngói quê mình ngày càng phát triển dẫu cho số cửa lò có giảm, song sản lượng lại tăng lên trông thấy bởi sự chuyên môn hóa trong sản xuất.

Không chỉ sản xuất ngói phục vụ dân trong làng làm nhà, dựng đình, chùa mà làng còn chuyên sản xuất phục vụ các công trình kiến trúc cổ, trùng tu di sản văn hóa. Người dân Kim Quan có thể làm được hàng trăm loại gạch, ngói cổ theo mẫu có sẵn khách hàng yêu cầu từ kiểu dáng, hình thức to nhỏ, dày mỏng đến các hoa văn, in lồng chữ theo yêu cầu… Ông Cấn Văn Thiều, Trưởng BQL làng nghề của xã đồng thời là Giám đốc công ty chuyên sản xuất và cung ứng gạch ngói cổ cho biết, khách hàng thân quen của làng là Viện Bảo tồn di tích, họ đặt hàng làng nghề làm theo mẫu để trùng tu di tích. Mỗi lần họ đặt hàng một mẫu khác nhau, ứng với hoa văn từng niên đại lịch sử. Các "nghệ nhân" trong làng lại đóng khuôn mới làm ra viên ngói giống như khuôn đúc. Mới đây nhất, công ty của anh Thiều cung cấp ngói cho công trình trùng tu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và hiện đang cung cấp cho công trình Đền Hùng (Phú Thọ).

Nghề ngói có ở khắp các thôn trong xã Kim Quan, nhưng thôn Mơ (đội 5) và thôn Gián (đội 2) có nhiều hộ làm hơn cả. Khu vực này hiện có 23 cửa lò. Theo tính toán, một lò mỗi năm nung được 15 mẻ, ra lò hàng trăm nghìn viên gạch ngói cổ các loại. Từ đây, nghề đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân  với mức thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, làng ngói Kim Quan cũng là làng nghề sản xuất theo lối thủ công, hơn nữa lại hoạt động trong khu dân cư. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về xóa bỏ lò gạch thủ công, làng nghề này cũng sẽ phải xóa sổ như bao lò gạch thủ công khác. Đến thời điểm này, đã quá thời hạn xóa lò gạch thủ công của Chính phủ đưa ra tròn một năm, việc xóa lò gạch thủ công ở đây vẫn còn nhùng nhằng giữa tình và lý. Nhiều hộ dân lo lắng, "Đây là nghề mưu sinh của bao thế hệ người dân. Mất nghề rồi không biết hàng nghìn lao động địa phương sẽ đi đâu, làm gì để kiếm việc làm?" - Cụ Đỗ Văn Hứa cho biết. Trao đổi với chúng tôi, ông Phí Đình Phùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất thừa nhận, thực hiện quyết định trên của Thủ tướng Chính Phủ, huyện Thạch Thất đã cơ bản xóa được các lò gạch thủ công trên địa bàn duy có làng ngói cổ Kim Quan là vẫn còn băn khoăn bởi đây là nghề có liên quan đến yếu tố văn hóa, lại ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Chủ trương của huyện sẽ tuyên truyền vận động, chuyển đổi nghề cho người dân, tiến tới có biện pháp cứng rắn xóa hết các lò ngói thủ công ở Kim Quan trong năm 2012. Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo lưu những kinh nghiệm trong nghề làm ngói cổ, huyện đang có hướng quy hoạch các vùng sản xuất gạch ngói tập trung quy mô vừa và nhỏ bằng các lò cải tiến; khuyến khích các hộ làm ngói đổi mới quy trình sản xuất theo hướng không nung, bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhùng nhằng tình - lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.