Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khốn khổ vì nước thải công nghiệp

Nguyên Hà| 24/07/2014 06:57

(HNM) - Sông Cầu Bây, đoạn chảy qua địa bàn huyện Gia Lâm, dài khoảng 7,2km. Những năm trước đây, sông Cầu Bây là nguồn tưới tiêu phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp của hàng nghìn hộ dân thuộc các xã Đa Tốn, Đông Dư, Kiêu Kỵ và thị trấn Trâu Quỳ.

Người dân xã Đa Tốn khốn khổ vì nước sông Cầu Bây bị ô nhiễm.



Thế nhưng, từ khi Khu công nghiệp Sài Đồng B và một số công ty đóng trên địa bàn quận Long Biên đi vào hoạt động, nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm nặng, trở thành dòng sông "chết", trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như việc sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Bá Hoán, tình trạng này diễn ra đã gần 20 năm, nguyên do là hằng ngày một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý từ các công ty và khu công nghiệp đổ vào sông. Trước đây, sông Cầu Bây luôn trong vắt thì giờ đây đã đen kịt, nhiều chỗ còn đóng thành mảng váng, quanh năm bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường sống của hơn 500 hộ dân ở tổ dân phố An Lạc. Nhưng, đáng nói hơn cả, là từ khi nước sông Cầu Bây bị ô nhiễm, việc sản xuất nông nghiệp và trồng cây ăn quả của người dân thị trấn đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều gia đình không dám lấy nước sông để tưới, đã phải đầu tư kinh phí làm giếng khoan, vì nếu sử dụng nước sông Cầu Bây, chỉ vài ngày sau, cây cối, hoa màu tự nhiên rụng lá, khô héo…

Tương tự, tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, chỉ sau một trận mưa, anh Lê Văn Vụ đã mất khoảng 2 tạ cá giống, nguyên nhân là khu vực thả cá của anh bị nước sông Cầu Bây tràn vào. Than thở với chúng tôi, anh Vụ cho biết, không chỉ riêng anh mà mới đây anh Nguyễn Văn Đông, trú tại đội 8B, thôn Đào Xuyên còn mất đến 2 tấn cá thịt chỉ vì anh chủ quan bơm nước từ sông Cầu Bây vào ao thả cá tại cánh đồng Ré. Do ảnh hưởng của nước sông ô nhiễm, hiện nay xã Đa Tốn không đủ điều kiện để trồng rau an toàn. Người dân cũng không dám nuôi cá vì mức độ ô nhiễm của sông đã đến mức báo động. Đã nhiều lần, chính quyền các địa phương ở dọc sông như Đông Dư, Kiêu Kỵ, thị trấn Trâu Quỳ đã kiên trì gõ cửa nhiều cấp, nhiều ngành kêu cứu. Năm 2012, UBND huyện Gia Lâm phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường khảo sát, lấy mẫu và đánh giá sơ bộ hiện trạng chất lượng nước sông Cầu Bây. Sau khi phân tích chất lượng nước, theo kết quả báo cáo số 2092/BC-STNMT ngày 5-6-2012 của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội: Chất lượng nước sông Cầu Bây, đoạn chảy qua địa bàn huyện Gia Lâm bị ô nhiễm do nguồn phát thải từ quận Long Biên. Các chỉ tiêu quan trắc chất lượng nước sông chảy qua huyện Gia Lâm vượt nhiều lần QCVN 08: 2008/BTNMT.

Tuy nhiên kết quả vẫn chỉ là kết quả, từ đó đến nay chưa có giải pháp nào được áp dụng thực hiện để khắc phục ô nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khốn khổ vì nước thải công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.