Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại sao khám bệnh trái tuyến không được thanh toán?

17/01/2015 07:20

(HNM) - Sau hơn hai tuần triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), nhiều người bệnh bức xúc khi đi khám bệnh trái tuyến không được BHYT chi trả. Với họ, quy định này chưa hợp lý và công bằng đối với người tham gia BHYT.


Không công bằng với bệnh nhân nghèo

Mọi lần khi đi khám viêm gan ở bệnh viện (BV) tuyến trung ương chi phí hết 1 triệu đồng/lần, tôi được thanh toán 300-500 nghìn đồng nhưng bây giờ tôi phải chi trả 100% số tiền này. Bởi vì theo quy định mới, từ ngày 1-1-2015, bệnh nhân đi khám bệnh vượt tuyến sẽ không được BHYT thanh toán. Lương hưu của tôi được khoảng 4 triệu đồng. Nếu tháng nào cũng phải đi khám bệnh, làm xét nghiệm kiểm tra gan mà không được BHYT chi trả thì tốn kém quá.

Hiện nay, nhiều BV tuyến trung ương đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng thì đây là một trong những biện pháp giúp giảm tải BV. Tuy nhiên, Luật BHYT sửa đổi đưa ra quy định như vậy theo tôi là không công bằng. Bệnh nhân nghèo chắc chắn sẽ không dám khám, điều trị vượt tuyến ở những BV có uy tín vì không có tiền chi trả. Trong khi nếu về đúng tuyến thì không yên tâm với chất lượng điều trị của BV tuyến dưới. Như vậy, luật đưa ra không đáp ứng được yêu cầu phục vụ đông đảo người bệnh mà chỉ tạm phù hợp với những bệnh nhân đủ điều kiện kinh tế, tự bỏ tiền lên các BV tuyến trên - nơi có chất lượng khám, chữa bệnh cao để điều trị. Còn những bệnh nhân nghèo sẽ khó có thể tiếp cận được với dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao.

Mục đích của quy định mới này nhằm khống chế vượt tuyến đối với các bệnh nhân bị các bệnh thông thường như: Ho, sổ mũi, tiêu chảy… thì hợp lý, còn khống chế khám ngoại trú của các bệnh mạn tính như: Tim mạch, tiểu đường, viêm gan… sẽ rất thiệt thòi cho người bệnh. Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT, Bộ Y tế nên có những chính sách mở cho những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, có nhu cầu tái khám liên tục.
Ông Nguyễn Văn Sửu (Xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh)

Đẩy phần khó về phía người bệnh

Mẹ tôi ở Nghệ An ra Hà Nội trông cháu. Bà có tiền sử đau dạ dày nhưng khi đến khám ở BV trung ương trên địa bàn Hà Nội, nhân viên hành chính ở đây từ chối nhận thẻ BHYT. Bởi vì theo quy định mới, BHYT không thanh toán cho các trường hợp khám bệnh ngoại trú. Còn nếu điều trị nội trú ở tuyến trung ương mà muốn được BHYT thanh toán thì mẹ tôi phải về tận Nghệ An để xin giấy chuyển viện. Trước kia, khi mẹ tôi đi khám, chữa bệnh trái tuyến đều được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí tương đương với hạng BV. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, tôi được biết, từ ngày 1-1-2015, khi vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% khi nằm viện điều trị nội trú. Tương tự khi vượt tuyến tỉnh, mức hưởng sẽ là 60% chi phí, chỉ áp dụng với điều trị nội trú. Với tuyến huyện, mức hưởng trong năm 2015 sẽ là 70% chi phí khám, chữa bệnh. Nói thật, điều trị ở các BV tuyến dưới, cơ sở vật chất, trình độ tay nghề bác sĩ còn hạn chế, bệnh nhân điều trị mãi cũng không hết bệnh nhưng họ không cho bệnh nhân chuyển tuyến. Mặt khác, người mắc bệnh mạn tính rất khó để xin được giấy chuyển viện lên tuyến trên. Đúng là quy định mới về chuyển tuyến trong Luật BHYT sửa đổi đã đẩy phần khó về phía người bệnh.

Dẫu biết, để một chính sách đi vào cuộc sống, làm hài lòng tất cả các nhóm đối tượng không hề đơn giản. Tuy nhiên, tôi mong rằng Bộ Y tế sẽ giải quyết những vấn đề chung nhất, sát sườn với quyền lợi của số đông người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHYT.
Chị Thu Phương (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tại sao khám bệnh trái tuyến không được thanh toán?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.