Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: VLAP vào thực tiễn

Nguyễn Hoàng| 21/12/2012 11:30

Hà Nội là một trong 9 tỉnh, thành phố được tiếp nhận Dự án VLAP “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam”.


Dự án đã được Ban Quản lý (BQL) triển khai tại các quận huyện của thành phố và đã đạt những kết quả bước đầu, giúp người dân được tiếp cận một cách thuận lợi nhất những thông tin đất đai thông qua Dự án VLAP và được thực hiện các quyền, nghĩa vụ công dân về quyền sử dụng đất. Qua đó giúp cơ quan Nhà nước quản lý chặt chẽ, có định hướng quy hoạch sử dụng đất một cách hợp lý và hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hùng Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường kiêm Giám đốc Ban QLDA VLAP Hà Nội trao giấy QSDĐ cho nhân dân xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.

Công tác chuẩn bị

Có thể nói, trước khi dự án VLAP được triển khai trên địa bàn Thủ đô, thực trạng cấp GCN quyền sử dụng đất ở cũng như đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều bất cập, phức tạp và khó khăn, gây trở ngại lớn đối với việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai. Công tác quản lý đất đai của các cấp chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn, nhất là khi có tranh chấp, khiếu nại.

Dự án VLAP - hệ thống quản lý đất đai hiện đại đang được áp dụng triển khai tại 9 tỉnh- thành phố trong cả nước. Đối với Hà Nội, việc triển khai Dự án mang ý nghĩa quan trọng hơn và hiệu ứng xã hội cũng lớn hơn. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường, kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án VLAP Hà Nội cho biết, Dự án tại Hà Nội nếu hoàn thành tức là hệ thống quản lý đất đai hiện đại sẽ giúp người sử dụng đất được tiếp cận nhiều hơn đến các dịch vụ đất đai với những thông tin chính xác; quyền lợi của người sử dụng đất cũng được bảo vệ tốt hơn. Vì vậy, BQL Dự án VLAP Hà Nội đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng; đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ từ các lớp tập huấn do BQL TƯ tổ chức để có thể đảm đương nhiệm vụ được giao.

Tham gia dự án, chính quyền cấp xã phối hợp với đơn vị thi công tổ chức đo đạc, đăng ký đất đai và lập hồ sơ cấp mới, cấp đổi GCN. Để công tác đo đạc đảm bảo chính xác và công bằng, các thôn, xã đã cử cán bộ am hiểu đất đai làm công tác dẫn đạc. Theo đó, thông tin về từng thửa đất được lưu giữ và sau đó được cập nhật, chỉnh lý theo biến động thường xuyên, bảo đảm tính bền vững của dự án.

Do có sự chỉ đạo bài bản, thường xuyên, sát sao từ BQL cấp Trung ương, BQL cấp thành phố đến các quận huyện, xã phường và sự hưởng ứng của nhân dân, Dự án VLAP đã vào thực tiễn. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo đúng mục tiêu của Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND các huyện tham gia dự án tập trung kiện toàn các VPĐKQSDĐ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đăng ký, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và hồ sơ địa chính ở địa phương. Công tác đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng được BQL dự án Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị được tổ chức tại các phường xã, thị trấn, thôn xóm kết hợp với phát hành tờ rơi tuyên truyền, nội dung của dự án VAP đã được chuyển tải đến nhân dân. Đã thiết lập được nhóm cộng đồng cấp xã và mạng lưới cộng tác viên đông đảo, thường xuyên tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên cơ sở dữ liệu địa chính và hồ sơ địa chính. BQL dự án Hà Nội tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với tất cả các gói thầu tại các huyện, nhất là công tác lập hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân.

Triển khai đồng bộ

Trước hết, Dự án VLAP Hà Nội do UBND TP Hà Nội làm cơ quan chủ quản; Sở Tài nguyên- Môi trường làm chủ dự án. Dự án được triển khai trên địa bàn các quận - huyện: Đan Phượng, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thường Tín, Ba Vì, Hoài Đức, Ứng Hòa, Hà Đông, Chương Mỹ.

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, BQL Dự án đã kịp thời tham mưu cho Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố ban hành các thông báo, công văn để giải quyết những vướng mắc trong công tác cấp GCN tại các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công đối với các nhà thầu và các đơn vị tư vấn giám sát đồng thời phân công các đồng chí Phó BQL Dự án phụ trách từng huyện, cán bộ trong BQL phụ trách từng gói thầu cụ thể.

Tổng khối lượng được thực hiện trong dự án VLAP Hà Nội là: Lập lưới địa chính 1112 điểm; tổng diện tích được đo vẽ bản đồ địa chính là 143.159 ha; tổng diện tích được số hóa, chuyển hệ tọa độ bản đồ địa chính là 20.706 ha; tổng số GCN được kê khai đăng ký cấp mới, cấp đổi và lập hồ sơ địa chính là 1.199.022 (trong đó cấp mới 222.315 GCN (sổ mới) và cấp đổi hơn 976.700 GCN.

Nguồn vốn thực hiện Dự án có tổng mức đầu tư là 12,135,33 triệu USD (205,451 tỷ VNĐ). Trong đó, Ngân hàng thế giới tài trợ 9,004 triệu USD (152,448 tỷ VNĐ); vốn đối ứng của thành phố là 3,130 triệu USD (53,003 tỷ VNĐ).

BQL Dự án VLAP đã ký hợp đồng 10 gói thầu thuộc 3 huyện với 8 nhà thầu tham gia; đã ký hợp đồng tư vấn giám sát với 2 đơn vị tại 5 gói thầu thuộc các huyện Quốc Oai, Đan Phượng và lập thủ tục ký hợp đồng tư vấn giám sát tại 5 gói thầu với 3 đơn vị thuộc huyện Ứng Hòa.

Tính đến hết tháng 11-2012, Dự án VLAP Hà Nội triển khai hiệu quả tại địa bàn ba huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa (gồm 66 xã thị trấn). Tiến độ thi công các gói thầu dịch vụ kỹ thuật nhìn chung đã được đẩy mạnh; công đoạn đo đạc bản đồ địa chính cơ bản hoàn thành với tổng diện tích đã đo đạc, lập bản đồ địa chính tại ba huyện là 38,386ha.

Về công tác đăng ký kê khai, xét cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân, tại hai huyện Quốc Oai và Đan Phượng có tổng số 127.950 thửa đã kê khai, lập hồ sơ (Đan Phượng trên 67.000 hồ sơ, Quốc Oai 60.387 hồ sơ); tổng số hồ sơ đã xét cấp GCN ở xã là 78.898 (Đan Phượng 43.661, Quốc Oai 35.237 hồ sơ); tổng số hồ sơ đã thẩm định ở huyện là 37.801 (Đan Phượng 24.031, Quốc Oai 13.770 hồ sơ); tổng số GCN đã ký là 23.195 GCN (Đan Phượng 16.972 GCN, Quốc Oai 6.223 GCN). Đã có 884 GCN trao cho người dân các địa phương. Riêng huyện Ứng Hòa do mới triển khai nên chưa có kết quả.

Về công tác đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng: BQL Dự án đã tổ chức được 5 khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho 66 cán bộ địa chính tại 3 huyện; tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng tại UBND các huyện và ký hợp đồng với Hội phụ nữ huyện Ứng Hòa làm đơn vị hỗ trợ thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng tại địa bàn với nguồn vốn viện trợ NZAP của Dự án.

Hiệu ứng xã hội

Khi BQL Dự án VLAP thành phố Hà Nội tiến hành trao bìa đỏ cho các hộ dân tại các xã thuộc hai huyện Đan Phượng và Quốc Oai, thì không còn ai băn khoăn, do dự. Bởi như thế có nghĩa là Dự án VLAP đã được hiện thực hóa vào cuộc sống của người dân. Lần đầu được cầm tờ GCN đất trên tay, ai nấy đều rất phấn khởi, tin tưởng vào chính quyền địa phương và tin vào hiệu quả mà Dự án VLAP đem lại.

Xét về hiệu ứng xã hội, sự thành công của dự án đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định an ninh, trật tự tại địa phương, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Bà Nguyễn Thị Ly, Chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết: Tân Hội là xã đông dân nhất huyện Đan Phượng và là 1 trong 7 xã của huyện đang triển khai mạnh mẽ Dự án VLAP. Trước khi thực hiện dự án, Tân Hội cũng là một trong ít xã thuộc huyện ngoại thành Hà Nội tồn tại thực trạng: toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp chưa được cấp GCN; số hộ được cấp GCN đất ở cũng chưa nhiều. Điều này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý của địa phương cũng như bước đầu triển khai dự án, vì nhân dân chưa hiểu hết ý nghĩa của dự án. Triển khai dự án VLAP, UBND xã đã thành lập Ban xét duyệt đảm bảo khách quan, công bằng; đồng thời nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ sự chỉ đạo BQL dự án VLAP Hà Nội và từ sự giúp đỡ thường xuyên của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện hướng dẫn cụ thể nên bà con nhân dân hiểu, đồng tình và phấn khởi.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Dự án VLAP Hà Nội là một trong những chiến lược giúp người dân ổn định nơi ở, yên tâm tham gia sản xuất kinh tế. Tới đây, khắc phục khó khăn, tồn tại, UBND huyện sẽ đôn đốc các ngành, các địa phương cùng BQL Dự án và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, hoàn thành cấp GCN cho các hộ dân trong huyện...

Dự án VLAP đã và đang mang đến không khí mới cho các miền quê ngoại thành Hà Nội. Giờ đây người dân có thể yên tâm sinh sống, sản xuất trên mảnh đất đã được gắn tên mình, được Nhà nước bảo vệ quyền lợi. Đó cũng là ước nguyện lớn nhất mà Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cũng như những cán bộ, nhân viên đang làm việc tại BQL dự án VLAP Hà Nội hướng tới khi họ được trực tiếp triển khai dự án tại cơ sở.

Hóa giải khó khăn

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hà Nội thì tiến độ thực hiện các gói thầu tại các huyện Quốc Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa còn chậm chạp, nhất là trong công tác đăng ký, kê khai, xét cấp GCN quyền sử dụng đất. Các gói thầu thuộc địa bàn hai huyện Quốc Oai và Đan Phượng phải làm thủ tục gia hạn nhiều lần. Đặc biệt, công tác kê khai đăng ký đối với các tổ chức sử dụng đất ở hầu hết các xã, thị trấn đều chưa được nhà thầu và chính quyền địa phương quan tâm thực hiện; đến nay chưa một tổ chức nào kê khai đăng ký...

Nguyên nhân chủ quan là do:

- Sự phối hợp giữa Ban Dự án VLAP cấp Trung ương, Ban VLAP thành phố Hà Nội, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn giám sát và chính quyền địa phương chưa thật sự đạt hiệu quả.

- UBND cấp huyện và xã chưa tích cực đôn đốc, chỉ đạo mạnh mẽ trong xét duyệt hồ sơ cấp GCN. Nhận thức của một số cán bộ xã còn hạn chế, nên khi thực hiện một số nội dung chưa đúng quy định (không công nhận diện tích thực tế như ở xã Hạ Mỗ, Đan Phượng; không cho chủ sử dụng mới đăng ký kê khai mà yêu cầu chủ sử dụng cũ đăng ký kê khai như ở xã Phú Cát, Quốc Oai...). Việc lựa chọn nhà thầu rất khó khăn do yêu cầu của hiệp định đã ký, dẫn đến đa số các đơn vị trúng thầu ở Đan Phượng và Quốc Oai đều kém về năng lực thi công nên tiến độ của một số gói thầu chậm, không đảm bảo thời gian như kế hoạch và phương án thi công đã được phê duyệt...

Về nguyên nhân khách quan, việc điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII), bổ sung 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình vào thiết kế Dự án, trình duyệt mất nhiều thời gian. Mãi cuối tháng 10-2009, Dự án mới triển khai ký hợp đồng 2 gói thầu đầu tiên. Do thời gian lập Dự án kéo dài (từ 2006 đến cuối 2009 mới triển khai), trong khi đó tốc độ đô thị hóa nhanh, đất đai biến động lớn, số liệu trong hồ sơ mời thầu phát sinh, không sát thực tế, gây khó khăn trong việc đo đạc địa chính. Mặt khác, trong quá trình thực hiện có nhiều nội dung thay đổi như định mức kinh tế kỹ thuật, chính sách tiền lương tối thiểu thay đổi nên BQL Dự án phải đầu tư thời gian nhất định để bổ sung thiết kế kỹ thuật dự toán các gói thầu.

Tại gói thầu HN-T-003.5, xã Hòa Thạch (Quốc Oai) có 2 thôn mới được thành lập theo QĐ của UBND thành phố Hà Nội; các gói thầu ở đây phải mất thời gian bổ sung thêm thiết kế kỹ thuật, dự toán. Bên cạnh đó, do quá trình chuyển nhượng đất đai không đúng quy định, việc chia tách hộ phổ biến; đặc biệt, việc dồn điền đổi thửa tự phát đối với đất nông nghiệp đã làm cho hệ thống bản đồ hiện trạng không thống nhất với GCN đã cấp (điển hình ở Quốc Oai). Do diện tích đo vẽ thực trạng có nhiều chênh lệch so với diện tích đã cấp GCN trước đây theo Nghị định 64/CP nên nhiều hộ không ký công nhận. Trong một thửa đất xuất hiện nhiều loại đất khác nhau, ranh giới không rõ ràng nên chủ sử dụng, nhà thầu, nhà quản lý lúng túng trong công tác lập hồ sơ. Các thửa đất khu vực canh tác ở hầu hết các xã, thị trấn (điển hình là ở Đan Phượng) còn manh mún, nhà thầu gặp khó khăn trong việc lấy tên chủ sử dụng và đăng ký lập hồ sơ cấp GCN. Một số xã đang thực hiện chương trình nông thôn mới, trong đó liên quan đến sử dụng đất cùng với việc dồn điền đổi thửa chưa có kế hoạch cụ thể nên ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu (điển hình ở Ứng Hòa). Và nữa, lực lượng cán bộ tại các văn phòng đăng ký ở cả 3 huyện quá mỏng, không đáp ứng được yêu cầu xét duyệt hồ sơ, cấp GCN trực tiếp tại cấp xã...

Mục tiêu và những kiến nghị, đề xuất

Trong thực tế, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thì việc triển khai thực hiện dự án VLAP Hà Nội còn những khó khăn, vướng mắc, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan như quá trình đô thị hóa nhanh, đất đai có nhiều biến động nên hồ sơ nhà thầu không sát thực tế; do quá trình chuyển nhượng không đúng quy định, chia tách hộ phổ biến; do năng lực quản lý dự án của BQL còn hạn chế; sự phối hợp giữa BQL, nhà thầu, các đơn vị tư vấn giám sát và một số địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao... (như đã phân tích trên đây).

Khắc phục những tồn tại trên và để Dự án VLAP Hà Nội được thực hiện theo đúng lộ trình, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường, thành phố Hà Nội đang tập trung thực hiện tập trung chỉ đạo thực hiện công tác cấp GCN tại 3 huyện đến 31- 12- 2012; phấn đấu đạt chỉ tiêu kê khai lập 310.000 hồ sơ (trong đó Đan Phượng 130.000 hồ sơ, Quốc Oai 130.000 hồ sơ, Ứng Hòa 50 hồ sơ); ký công nhận 60.000 GCN (Đan Phượng 25.000, Quốc Oai 25.000, Ứng Hòa 10.000 GCN). Phấn đấu hết năm 2012, dự kiến giải ngân khoảng 28.000 triệu đồng; trong đó 21.000 triệu đồng vốn IDA, 7000 triệu đồng vốn đối ứng.

Ban quản lý Dự án VLAP thành phố Hà Nội chủ động tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng đất, vận động sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cấp huyện, xã đối với công tác xét duyệt hồ sơ cấp GCN. Đồng thời đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép Ban VLAP được ký thêm hợp đồng lao động nhằm tăng cường nhân lực thực hiện Dự án; đề nghị UBND các huyện xem việc giao chỉ tiêu xét duyệt hồ sơ cấp GCN là một trong những tiêu chí xét thi đua hàng năm đối với các địa phương đã và đang triển khai thực hiện Dự án. Trên cơ sở đó đẩy mạnh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành dự án, theo lộ trình đề ra.

Tại hội nghị tổng kết công tác quý III và kế hoạch quý IV năm 2012, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án VLAP cấp Quốc gia đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN&MT trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, tập trung giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo đó, phấn đấu cuối năm 2012 sẽ giải ngân đạt trên 40 triệu USD; đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, cấp Giấy Chứng nhận; đưa kết quả, sản phẩm của dự án phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phục vụ người dân, đặc biệt trong công tác vận hành và khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai. Ngoài ra, cần tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng để đảm bảo phát triển bền vững của dự án.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: VLAP vào thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.