Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường BĐS Hà Nội sẽ “thức dậy” vào cuối năm 2013?

Minh Bắc| 11/01/2013 16:04

(HNMO) - Mặc dù Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) ngay sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 12-2012 nhưng bước vào năm 2013, thị trường BĐS Hà Nội vẫn ở trạng thái “ngủ đông”. Cái “khó” dường như vẫn như chưa “ló” cái “khôn” để tìm giải pháp hữu hiệu cho thị trường BĐS “vươn vai thức dậy”...


Theo một số thông báo của các công ty nghiên cứu thị trường BĐS thì thị trường BĐS Hà Nội vẫn u ám giống như quý IV/2012. Thị trường căn hộ bán tại Hà Nội vẫn “xông xênh” lượng cung trong tình trạng giao dịch thành công với tỷ lệ rất thấp thuộc về phân khúc giá bình dân khoảng trên, dưới 10 triệu đồng/m2, diện tích căn hộ từ 45-70m2.

Hiện giá rao bán căn hộ của các dự án của Westa ở Mỗ Lao, Hà Đông là 16,7 triệu đồng/m2; của dự án Nam Đô Complex là 20,6 triệu đồng/m2 và Bảo An Tower, Mê Kong Plaza có giá từ 13,5 triệu- 15,8 triệu đồng/m2. Giá cả các căn hộ thuộc nhiều dự án vẫn tiếp đà giảm giá khoảng từ 5-15% so với giá công bố trước đây, nhất là căn hộ thuộc phân khúc hạng sang. Nhiều dự án nhà chung cư đã đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm thu hút người mua như dự án căn hộ khu căn hộ Mỹ Đình Plaza trong ngày mở bán đã tặng iPad 3 và TV cho khách hàng đăng ký mua; Chung cư Phúc Thịnh Tower kèm chương trình bốc thăm trúng thưởng để tri ân khách hàng. Dự án Hado Park View giảm giá 14% so với đợt mở bán trước đó... Điểm sáng duy nhất của những ngày đầu năm 2013 làm nhiều người hy vọng đó là sự trở lại của chủ đầu tư chung cư Hattoco (Hà Đông) sau một năm dừng thi công do thiếu vốn. Tuy nhiên điểm sáng này xuất hiện có lẽ nhờ lòng tin của chủ đầu tư vào gói kích cầu từ 20-40 ngàn tỷ đồng cho thị trường BĐS với lãi suất hợp lý từ đề xuất của Ngân hàng nhà nước cũng như chính sách chia nhỏ diện tích căn hộ từ 80-160m2 xuống còn 60-70 m2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho số đông người tiêu dùng.

Việc “bắt mạch” thị trường bất động sản Hà Nội cho thấy những năm gần đây, do phát triển quá nóng cùng với tác động từ sự suy thoái kinh tế, lạm phát cao đã làm thị trường BĐS đóng băng. Giá nhà tăng cao chủ yếu do đầu cơ, nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung vào những phân khúc có sinh lời lớn, không quan tâm đến nhu cầu thực sự của thị trường, dẫn đến thị trường nhà ở mất cân đối, dư thừa nhà ở cao cấp trong lúc thiếu nhà ở phân khúc cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Công tác quản lý thị trường nhà cửa ở Hà Nội bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp. Chính sách tài chính, tín dụng cho thị trường bất động sản đầy bất cập, thiếu hoàn chỉnh. Vốn đầu tư chủ yếu vào bất động sản là từ nguồn vốn ngân hàng với thời gian vay ngắn hạn, lãi suất cao vì chúng ta chưa quan tâm phát triển đến các nguồn vốn khác như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác... Thủ tục hành chính trong quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, đất đai, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập…

Hệ quả từ tổng các nguyên nhân kể trên đối với thị trường BĐS Hà Nội dẫn đến là lượng tồn kho hiện đang rất lớn với trên 5.789 căn hộ nhà chung cư, 3.500 căn nhà thấp tầng, biệt thự, nhà liền kề, 175.000m2 sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê. Ngay cả nhà dành cho người thu nhập thấp vẫn còn tồn 330 căn. Nợ xấu bất động sản của Hà Nội chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu của ngân hàng. Sự trì trệ của thị trường BĐS Hà Nội hiện đang gây nên mối lo ngại lớn cho các cấp chính quyền từ địa phương tới Trung ương và dĩ nhiên không phải chỉ có lo mỗi thị trường BĐS đang chạy trên một nền kinh tế chứa nhiều yếu tố bất ổn.

Để giải quyết căn bệnh trên, qua làm việc với Thủ tướng Chính Phủ, Hà Nội đã mạnh dạn kê đơn “bốc thuốc” như ra chính sách thông thoáng về mặt thủ tục, thu hút đầu tư, mua lại các dự án nhà thương mại chuyển sang nhà ở xã hội; Khẩn trương phê duyệt đề án xử lý nợ xấu, ban hành cơ chế chính sách mở rộng tín dụng cá nhân để kích cầu mua nhà ở; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi chuyển đổi từ nhà thương mại sang tái định cư, nhà ở cho thuê, thuê mua, trả chậm, nhà công vụ; xem xét phê duyệt đề án về một số chính sách nhà đối với người hưởng lương trên địa bàn thành phố và điều chỉnh Nghị định 142/2005 của Chính phủ về tiền thuê đất, thuê mặt nước; Xem xét khoanh nợ xấu, giảm lãi suất tín dụng, thiết lập các gói tài chính hỗ trợ thị trường bất động sản Hà Nội. Đặc biệt, xem xét điều chỉnh quy định tỷ lệ căn hộ trong chung cư để doanh nghiệp tự lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và phù hợp với quy hoạch; Ban hành mới bộ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế chung cư căn hộ vừa và nhỏ để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện… Có thể nói đó là những giải pháp cần thiết lúc này. Tuy nhiên, phải chú ý đến sự tranh luận trong cách xử lý nợ xấu sao cho thấu tình đạt lý, nguồn vốn từ đâu và đưa như thế nào vào BĐS cho thật sự hiệu quả…

Cũng có ý kiến cho rằng, cần chú ý thêm các vấn đề trong việc “trị bệnh” BĐS lúc này, thứ nhất đó là việc bơm vốn dù ít hay nhiều vào thị trường BĐS tại thời điểm này là chưa ổn mà cần phải để thị trường điều tiết, nghĩa là phải để giá xuống nữa cho tới khi một số doanh nghiệp BĐS yếu kém phá sản và nhà nước hãy ra tay mua lại các dự án này. Thứ hai là, cần tập trung hỗ trợ thị trường BĐS bằng cách chú ý xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường giao thông (ví dụ các tuyến xe bus), chợ, trường học, bệnh viện… phù hợp tại một số chung cư trọng điểm để kích người tiêu dùng có nhu cầu tích cực mua, bởi nơi sống không thuận tiện thì dù nhà rẻ cũng không ai mua. Thứ ba là, tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho những người thật sự có nhu cầu mua nhà để họ có thể trả tiền nhà trong thời hạn nhất định nào đó. Thứ tư là, cần có ngay các giải pháp lâu dài, cụ thể cho những người sống trong căn hộ chung cư với đóng góp có thể chấp nhận được…

Đây là những việc không phải dễ làm trong thời gian ngắn nên có thể dự đoán thị trường BĐS năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng, dẫu sao sự “thức dậy” của thị trường BĐS cũng sẽ kéo theo rất nhiều ngành kinh tế phát triển. Bởi vậy, dù khó thì vẫn nên có những giải pháp mang tính đột phá, khôn khéo của các nhà đầu tư cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các ngành cộng hưởng thì có thể thị trường BĐS Hà Nội sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan ngay từ cuối năm 2013!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường BĐS Hà Nội sẽ “thức dậy” vào cuối năm 2013?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.