Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư nước ngoài: Lạc quan trong khó khăn

Hồng Sơn| 14/01/2013 07:38

(HNM) - Năm 2012, cả nước thu hút thêm 13,01 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), gồm vốn mới đăng ký và các dự án cũ đăng ký tăng vốn, bằng 84,7% so với năm 2011. Việc giải ngân vốn ĐTNN cũng đạt 10,46 tỷ USD. Kết quả này được ghi nhận là phù hợp và đáng mừng trong bối cảnh cạnh tranh về thu hút vốn ĐTNN đang diễn ra gay gắt.

Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu. Ảnh: Đàm Duy


Các chuyên gia cho rằng, số vốn thực hiện trong năm 2012 chỉ giảm nhẹ so với mức của năm 2011 và đã hỗ trợ, cải thiện cán cân thanh toán cũng như làm tăng lượng dữ trữ ngoại hối của quốc gia. Mức vốn giải ngân là thước đo lòng tin vào tương lai của địa bàn đầu tư từ phía nhà ĐTNN và nếu được duy trì gần như đều đặn qua các năm tức là họ đã dồn nguồn lực cho thị trường Việt Nam qua việc giảm mức giải ngân ở các địa bàn đầu tư khác. Đáng mừng là lượng vốn đăng ký tăng thêm của một số dự án đã hoạt động tăng tới 58,5% so với năm trước, là sự khẳng định về niềm tin của cộng đồng ĐTNN vào khả năng duy trì ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước đưa Việt Nam trở thành bàn đạp cho chuỗi sản xuất, xuất khẩu của nhà đầu tư.

Thực tế này cũng tái khẳng định việc nhiều đối tác giàu tiềm năng như Nhật Bản, Hoa Kỳ… đều công nhận Việt Nam là nơi đáng để đầu tư và thực hiện cơ cấu lại địa bàn đầu tư của họ trên phạm vi toàn cầu nhờ lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực và thị trường với gần 90 triệu người tiêu dùng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tăng vốn của nhiều dự án ĐTNN này là điểm nhấn trong bức tranh chung về ĐTNN năm 2012.

Tiếp theo, riêng các DN có vốn ĐTNN đạt kết quả tăng trưởng xuất khẩu rất cao là hơn 73 tỷ USD - tức chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kết quả này tăng 33,2% so với năm trước và cao hơn nhiều so với mức tăng chung của cả nước (18,3%). Do đó, khu vực có vốn ĐTNN đã xuất siêu 13 tỷ USD và thành tựu xuất khẩu của DN ĐTNN đã quyết định kết quả xuất khẩu sáng sủa cho nền kinh tế Việt Nam sau một năm đối diện với hàng loạt thách thức. Theo các chuyên gia, sự lớn mạnh của DN ĐTNN, nhất là thông qua hoạt động xuất khẩu đã đẩy nhanh quá trình hội nhập, đưa Việt Nam gắn bó chặt chẽ, cải thiện sức cạnh tranh cũng như tự đáp ứng nhiều yêu cầu quan trọng khi tham gia vào đời sống kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác nhận một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động ĐTNN. Đó là, xu hướng suy giảm trong thu hút nguồn vốn ĐTNN vẫn giảm qua từng năm (dù giảm không nhiều) chưa được khắc phục, chất lượng của dự án ĐTNN chưa cao, vấn đề DN ĐTNN gây ô nhiễm môi trường và vi phạm các quy định về chế độ đối với người lao động còn xảy ra…

Gần đây, một số địa phương còn lo ngại khi tỷ lệ tạo việc làm mới của khu vực DN ĐTNN chưa tương xứng với mức vốn đầu tư và diện tích đất đã đưa vào sử dụng để triển khai các dự án, nên không đáp ứng được nhu cầu có việc làm của người dân bản địa. Hơn thế, vấn đề DN ĐTNN có biểu hiện chuyển giá đã được xác nhận, nhưng đến nay chưa có cơ quan nào tìm được cách "giải mã" từ đó xác định mức độ sai phạm nghiêm trọng đến đâu mà tìm biện pháp xử lý cho thỏa đáng. Vấn đề này đang gây bức xúc trong dư luận, làm xấu môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp DN ĐTNN vay nợ của tổ chức tín dụng trong nước, sau đó làm ăn thất bát hoặc cố tình chiếm dụng rồi bỏ trốn cũng gây lo ngại trong đời sống kinh tế.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương rà soát, phát hiện và xử lý sai phạm; hoàn thiện  khung pháp lý; kịp thời hỗ trợ DN ĐTNN để phát huy thế mạnh của khu vực này, gia tăng sự đóng góp vào sự phát triển KT-XH Việt Nam theo hướng tăng trưởng bền vững…

Năm 2012, nhiều DN nội bị tồn kho nhiều sản phẩm, nhưng nhìn chung DN ĐTNN vẫn duy trì sản xuất và tiêu thụ được sản phẩm, nên mức đóng góp vào ngân sách của khu vực này vẫn đạt 3,76 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2011.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư nước ngoài: Lạc quan trong khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.