Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề cốt lõi: Giúp người dân có chỗ ở

ĐẶNG LOAN| 01/10/2014 06:59

(HNM) - Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu xây dựng gói tín dụng cho cán bộ công chức, viên chức có thu nhập khá vay mua nhà đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những phản hồi tích cực, có rất nhiều thông tin cho rằng việc tung ra những gói tín dụng


Chỉ nên hỗ trợ người có thu nhập thấp

Theo thông tin từ NHNN, gói hỗ trợ này sẽ hướng đến những người có thu nhập trung bình khá trở lên để mua căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp và nhà liền kề. Dự kiến người vay sẽ được vay 75% tổng giá trị căn hộ với số tiền tối đa là 2 tỷ đồng, lãi suất dự kiến dao động 6%-7,5%/năm, thời hạn vay kéo dài 10 năm và người mua được thế chấp chính tài sản mua để vay.

Người thu nhập thấp cần hỗ trợ vay vốn để có nhà ở.



Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, mục đích của Nhà nước phải là giúp cho người dân có căn nhà đầu tiên, có chỗ ở. Vì vậy, các gói hỗ trợ của Nhà nước nên tập trung cho người thu nhập thấp có nhà ở chứ không thể cho người trung lưu, người giàu. Bên cạnh đó, gói tín dụng này cũng ít tính khả thi vì nếu hỗ trợ công chức, viên chức vay đến 2 tỷ đồng thì điều kiện thu nhập của họ cũng không đủ sức trả.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, trên thực tế Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp để tạo quỹ nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, chẳng hạn như gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên khi thực hiện có nhiều vướng mắc nên tốc độ giải ngân không như mong muốn. Do vậy, thay vì thêm một gói tín dụng hỗ trợ khác, nên tập trung tháo gỡ vướng mắc cho gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Riêng với TP Hồ Chí Minh, từ 10 năm nay đã có chương trình hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước vay mua nhà từ Quỹ phát triển nhà ở thành phố. Theo đó, quỹ này sẽ cho các đối tượng trên vay khoảng 70% giá trị căn nhà, mỗi trường hợp vay tối đa không quá 400 triệu đồng. Lãi suất vay hiện nay là 5,6%/năm (ngân sách thành phố bù lãi suất 3%/năm), thời gian vay lên đến 15 năm. Từ khi đi vào hoạt động từ năm 2004 đến nay, quỹ này đã cho khoảng 1.900 khách hàng vay với tổng số tiền trên 610 tỷ đồng. Chính vì vậy nên không cần thiết thêm một gói tín dụng hỗ trợ nữa.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn khoảng 7.500 căn hộ đang tồn kho (tồn kho ở thời điểm cuối năm 2012 là 14.490 căn). Các căn hộ tồn kho chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2, dự án ở vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án xây dựng chậm tiến độ.

Tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính

Một số doanh nghiệp BĐS cũng đồng ý rằng thay vì thêm gói tín dụng hỗ trợ thì việc cần làm ngay là khắc phục gói 30.000 tỷ đồng "đến nơi đến chốn". Theo đó, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02 của Chính phủ đã tháo gỡ được vướng mắc khi cho phép mua nhà thương mại (kể cả nhà và đất) có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng thay vì giới hạn điều kiện căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá thấp hơn 15 triệu đồng/m2 như trước kia. Tuy nhiên, người dân cũng khó "với" tới gói hỗ trợ này vì vướng thủ tục hành chính về xác nhận tình trạng nhà ở từ phường, xã.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề lớn nhất của BĐS thời gian qua là lệch cung - cầu khi phát triển quá nhiều nhà cao cấp. Các chính sách về thị trường BĐS của Chính phủ thời gian qua đã đi đúng hướng, vấn đề là phải tập trung thực hiện. Chẳng hạn, để tạo nguồn cung căn hộ phù hợp với nhu cầu người mua và tháo gỡ vướng mắc cho các căn hộ lớn, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 02/2013/TT-BXD đồng ý cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, có rất ít dự án được chuyển đổi, những dự án còn lại vẫn không được xét duyệt. Lý do thành phố cho rằng cần phải xem xét kỹ để bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của thành phố.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, đã nhiều lần kiến nghị UBND thành phố công bố khu vực nào cho phép hoặc không cho phép chuyển đổi dự án, cơ cấu lại căn hộ để các doanh nghiệp chủ động tìm giải pháp khác để giải quyết khó khăn của mình. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tiêu chí và các doanh nghiệp vẫn cứ phải nộp đơn và chờ đợi được chuyển đổi công năng và chia nhỏ căn hộ dù Thông tư 02 của Bộ Xây dựng chỉ có giá trị đến ngày 31-12-2014.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề cốt lõi: Giúp người dân có chỗ ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.