Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn thiếu căn hộ "vừa túi tiền"

Đặng Loan| 06/01/2016 07:00

(HNM) - Chênh lệch cung - cầu được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản (BĐS)


Đắt hàng!

Dành dụm được 700 triệu đồng, vợ chồng chị Ngân đi tìm mua một căn hộ 2 phòng ngủ với giá bán khoảng 1 tỷ đồng để ở ngay nhưng xuôi ngược cả tháng vẫn chưa tìm được căn ưng ý. "Căn hộ chung cư giá 1 tỷ đồng không ít, nhưng hầu hết là đã qua sử dụng, còn căn hộ mới đều đang trong quá trình xây dựng 1-2 năm mới giao nhà, trong khi vợ chồng tôi muốn có nhà ở ngay", chị Ngân nói. Ngược lại với người mua, người bán căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng rất dễ. Có nhu cầu chuyển nhượng lại căn hộ giá 800 triệu đồng tại chung cư Thái An - Quận 12, anh Tình chỉ rao bán có hai ngày là đã có khách mua. Nhiều người dân ở chung cư này cho biết, họ chuyển nhượng căn hộ rất dễ dàng bởi nhu cầu người mua luôn có.

TP Hồ Chí Minh vẫn đang thiếu những dự án căn hộ vừa túi tiền của đa số người dân.


Các chủ đầu tư có dự án căn hộ giá trên dưới 1 tỷ đồng cũng cho biết, phân khúc này rất đắt hàng. Vừa thành công với dự án Depot Metro Tower - Thủ Đức (quận Thủ Đức), Công ty Thanh Yến Land tiếp tục mở bán dự án Depot Metro Tower - Tham Lương (Quận 12) cũng có giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn hộ. Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Giám đốc Thanh Yến Land cho biết, đối tượng khách chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ mới ra ở riêng và nhu cầu còn rất cao. Đại diện chủ đầu tư dự án Ehome 3 (quận Bình Tân) là Công ty cổ phần Đầu Tư Nam Long cũng cho biết, các căn hộ đã xây dựng xong của dự án này đều được khách hàng mua hết để vào ở trước Tết. Dự kiến đầu năm 2016, công ty sẽ tiếp tục mở bán thêm 400 căn cũng có giá dưới 1 tỷ đồng…

Theo tổng kết của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoReA), năm 2015 thị trường BĐS tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh với hơn 26.000 giao dịch nhà ở thành công, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2014. Trong đó, phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ có giá bán vừa túi tiền (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ có giá trên dưới 1 tỷ đồng) vẫn là phân khúc phát triển bền vững. "Tuy vậy, hiện phân khúc này vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu, căn hộ với giá bán vừa túi tiền vẫn rất thiếu trên thị trường", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoReA nói.

Thị trường chưa phát triển vững chắc

"Thị trường BĐS phục hồi mạnh hơn trong năm 2015 và có khả năng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2016. Tuy nhiên, nhìn toàn cục thì sự phục hồi chưa thật sự vững chắc bởi đang có sự tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc BĐS cao cấp, trong lúc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị", ông Lê Hoàng Châu nói.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, chi phí nhà ở hợp lý là không quá 30% - 40% tổng thu nhập, vì vậy giá nhà ở hiện tại là quá cao so với người dân. Còn theo báo cáo "Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam - Con đường phía trước" do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, mặc dù liên tục tăng trưởng về kinh tế, Việt Nam vẫn gặp thiếu hụt lớn về nhà ở bảo đảm chất lượng. Cũng theo WB, dù đã có nhiều nỗ lực từ cơ quan quản lý nhưng hiện có đến 40% dân số Việt Nam có thu nhập không đủ để mua nhà.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, thị trường BĐS năm 2016 sẽ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng tích cực như năm 2015. Tuy nhiên, vẫn cần có sự nỗ lực của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để khắc phục các nhược điểm lâu nay. Theo đó, các doanh nghiệp lưu ý vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào phân khúc thị trường cần và nâng cao chất lượng, dịch vụ cho căn hộ; còn Nhà nước cần quan tâm cả vấn đề an sinh xã hội và phát triển thương mại BĐS, tạo điều kiên thuận lợi nhất để thực hiện các chính sách đã được ban hành theo trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn thiếu căn hộ "vừa túi tiền"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.