Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rủi ro rơi vào người mua nhà

Đức Anh| 05/04/2016 06:52

(HNM) - Được triển khai từ tháng 6-2013, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng là cơ hội cho những người thu nhập thấp sở hữu nhà ở, với lãi suất ưu đãi, 5-6%/năm.

Cũng từ những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, thị trường bất động sản đã "ấm dần", thanh khoản được cải thiện, giao dịch thành công tăng dần từng tháng. Từ đó, doanh nghiệp bất động sản tự cơ cấu lại hàng hóa, dự án đầu tư; lượng hàng tồn kho bất động sản giảm dần.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặc dù mới chỉ giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng (số liệu tính đến cuối tháng 3-2016), nhưng các ngân hàng thương mại tham gia gói hỗ trợ này đã cam kết cho vay vượt qua con số 30.000 tỷ đồng. Vì vậy, NHNN có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng ký hợp đồng cho vay sau tháng 3-2016. Đã có nhiều ý kiến trái chiều, người cho là gây "sốc", quá bất ngờ, trở tay không kịp, nhưng có người lại ủng hộ, bởi con số cam kết cho vay đã vượt 30.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là, ngay cả khi NHNN có văn bản yêu cầu dừng ký hợp đồng mới, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn "câu kéo" khách hàng, thuyết phục người mua nhà "chạy đua", hoàn thành thủ tục cho vay gấp trước ngày các ngân hàng ngừng ký hợp đồng mới. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn yêu cầu người mua tạm ứng trước 30% tiền nhà để làm thủ tục trong ngày cuối cùng của tháng 3.

Điều lạ hơn nữa là không ít người nghe theo doanh nghiệp, cố "chen chân" nộp tiền "chạy đua" với thời điểm kết thúc mà không hiểu rằng, việc giải ngân nguồn vốn phụ thuộc vào ngân hàng, trong khi ngân hàng dựa vào tiến độ dự án để quyết định cho vay, không có ngân hàng nào chấp nhận giải ngân cho chủ đầu tư trước tiến độ, vì rủi ro cho cả người mua và ngân hàng. Nếu người dân không kịp chạm tay tới gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng lại "trót" ứng trước tiền, nguy cơ phải chấp nhận vay tiền với lãi suất cao có thể xảy ra, khó lại chồng chất khó với những người có thu nhập thấp. Lúc này, rủi ro không ở phía doanh nghiệp hay ngân hàng mà rơi vào người mua nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rủi ro rơi vào người mua nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.