Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế tạo chuyển biến về nhà ở xã hội

Hương Ly| 08/12/2016 06:56

(HNM) - Với 3,7 triệu mét vuông nhà ở xã hội (NƠXH) tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (KCN) đã góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500 nghìn người thu nhập thấp, công nhân.


Tuy nhiên, tình trạng nhà ở chất lượng thấp, hạ tầng phát triển thiếu đồng bộ... cần phải được tập trung giải quyết, có cơ chế tạo chuyển biến về NƠXH. Đây là các vấn đề được đặt ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển NƠXH và nhà ở công nhân, diễn ra ngày 7-12.

Nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nhật Nam


Nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đến nay, cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu mét vuông NƠXH tại khu vực đô thị và KCN, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500 nghìn người thu nhập thấp, công nhân lao động. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân KCN. So với chỉ tiêu NƠXH tại đô thị và KCN đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ), thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.

Được đánh giá là dự án NƠXH điển hình, Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), với 3.483 căn hộ, do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư, được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhưng giá bán chỉ từ 8,68 triệu đến 9,8 triệu đồng/m2, phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập thấp. Vì vậy, để các dự án triển khai hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng kiến nghị, cho phép tiếp tục quy hoạch các khu đô thị để đầu tư xây dựng NƠXH tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, cho phép thực hiện cơ chế thu bằng tiền với diện tích đất (20% quỹ đất ở) dành xây dựng NƠXH tại các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10ha, để tập trung vốn tạo quỹ đất sạch và đầu tư xây dựng trường học, nhà trẻ công lập tại các khu NƠXH tập trung...

Ngoài khó khăn về vốn, quỹ đất, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, muốn tăng tính thanh khoản cho các dự án NƠXH, Nhà nước phải có sự hỗ trợ ban đầu. "Dù vậy, không nên coi việc xây NƠXH là trách nhiệm của một mình Nhà nước, mà phải coi đây là trách nhiệm chung, trong đó người mua nhà đóng vai trò quan trọng nhất. Ví dụ ở Đức, từ khi trẻ sinh ra, hằng tháng bố mẹ đã tiết kiệm tiền mua nhà dù số tiền không nhiều. Khi đủ tuổi, đứa trẻ sẽ được vay vốn với lãi suất rất thấp để mua nhà mà không phụ thuộc ai, kể cả bố mẹ" - ông Nam nói.

Còn theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cần một chương trình hỗ trợ lãi suất, chứ không thể để một dự án NƠXH phải vay lãi suất cao. Với quan điểm coi đây là đầu tư phát triển, nên dành một phần ngân sách từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để lo vấn đề này. Bên cạnh đó, là hỗ trợ tín dụng cho người mua.

Coi nhà ở xã hội là đầu tư phát triển

Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về NƠXH tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nhà ở là một trong bốn việc quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh phải đặc biệt quan tâm. Chủ trương của Đảng, Chính phủ là thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân KCN, sinh viên. Vì vậy, cần làm rõ những công việc phải chỉ đạo thực hiện, những mô hình NƠXH đã làm tốt để nhân rộng trong phạm vi cả nước.

Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành 36 dự án NƠXH, với 1.335.959m2 sàn xây dựng, giải quyết chỗ ở cho 11.800 hộ gia đình. Giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ triển khai 40 dự án, với khoảng 3.288.277m2 sàn xây dựng; trong đó, có 6 dự án nhà ở công nhân tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai và KCN Phú Nghĩa.


Đặc biệt, cần cơ chế tạo chuyển biến để có thêm nhiều NƠXH, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải coi phát triển NƠXH là đầu tư cho phát triển, chứ không phải đầu tư tiêu dùng bình thường, bởi nếu để tình trạng công nhân, người nghèo không có nơi ở, bức xúc nhà ở thì đất nước không thể phát triển bền vững.

Trong 9 nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn đặc biệt về việc nhà ở cho công nhân còn nhiều bất cập. “Các nhóm đối tượng khác đều phải quan tâm, đều phải đẩy mạnh, triển khai đúng chương trình, kế hoạch, nhưng chúng ta hãy tập trung vào bức xúc hiện nay là nhà ở cho công nhân. Như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, 1,5 triệu lao động chưa có nhà ở tối thiểu cần thiết” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thực tế hiện nay nhiều địa phương chưa có chương trình NƠXH; chưa dành đất, chưa chọn được doanh nghiệp để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. Chính sách pháp luật cơ bản đã có, câu hỏi đặt ra là địa phương có làm không, có quyết tâm để triển khai cụ thể không? Các bộ, ngành trung ương có đặt vấn đề nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này không? Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển NƠXH; giao Bộ Xây dựng, tham mưu, đề xuất theo thẩm quyền.

Cùng với đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính cho phát triển NƠXH theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi theo thông lệ quốc tế… Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý, khu đô thị NƠXH phải quy hoạch đồng bộ hạ tầng, các thiết chế văn hóa, có một tỷ lệ thích hợp giữa nhà ở thương mại, NƠXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế tạo chuyển biến về nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.