Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấn Độ - Afghanistan: Hợp tác vì Nam Á thịnh vượng

Hoàng Linh| 18/09/2016 07:04

(HNM) - Trong khuôn khổ chuyến công du hai ngày của Tổng thống Ashraf Ghani tới Ấn Độ, New Delhi đã dành khoản viện trợ phát triển khổng lồ lên tới 1 tỷ USD cho việc xây dựng một Afghanistan


Quan hệ Afghanistan và Ấn Độ được củng cố sẽ tác động tích cực tới hòa bình khu vực.


Thực tế, sự gắn kết giữa Ấn Độ và Afghanistan đã xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử phát triển bởi sự gần gũi về địa lý, tôn giáo, văn hóa, tập tục… Trong tư duy của nhiều người dân Afghanistan, Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia dành cho họ sự tôn trọng, trái ngược với quan niệm khủng bố, đói nghèo, lạc hậu… mà nhiều nước khác thường thành kiến. Ấn Độ luôn có nhu cầu tiếp cận tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như thị trường tiềm năng của Afghanistan nói riêng và khu vực Trung Á nói chung. Trong khi đó, ở thời kỳ xây dựng thể chế sơ khai của Afghanistan, mô hình của Ấn Độ luôn là cảm hứng hàng đầu, đặc biệt là về các vấn đề quản lý cộng đồng dân cư đa dạng, xây dựng các tổ chức nhà nước, đảm bảo quyền lợi phụ nữ và việc chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp sang một quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dù có một nền tảng quan hệ vững chắc như vậy, trong nhiều năm qua, New Delhi và Kabul đã không thể chuyển hóa được sự tin cậy thành một mối quan hệ đối tác chiến lược. Nhiều phân tích cho rằng, dù Ấn Độ đã thể hiện rất hiệu quả và hào phóng trong các chiến dịch nhân đạo, hỗ trợ phát triển, tái thiết Afghanistan nhưng lại hầu như đứng ngoài công cuộc định hình thể chế chính trị cũng như cuộc chiến chống khủng bố của đất nước láng giềng. New Delhi cũng chưa thể hiện được sự tin tưởng hoàn toàn khi thực hiện các thỏa thuận hợp tác với Kabul được ký kết từ năm 2011. Trong khi đó, nhiều nước lớn hiện sẵn sàng đặt sự độc lập, chủ quyền và nền dân chủ của Afghanistan lên bàn đàm phán để duy trì lợi ích địa chiến lược của họ trong khu vực, có thể khiến những nỗ lực hợp tác giữa Ấn Độ và Afghanistan gặp trở ngại lớn.

Dù vậy, Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đang thực thi cách tiếp cận Afghanistan thân thiện hơn. Ấn Độ đã rất nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng nền kinh tế non trẻ, đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng của Kabul, thúc đẩy tiến trình kết nối và hội nhập khu vực của quốc gia bị chiến sự tàn phá này. Cùng với đó là việc làm sống lại tiến trình ba bên giữa Kabul - New Delhi - Washington, tận dụng tối ưu cơ chế tham vấn Nga - Trung Quốc - Ấn Độ về an ninh khu vực…

Với quan điểm một Afghanistan ổn định và độc lập sẽ là đối tác đầy giá trị trong việc giải quyết các vấn đề nóng như khủng bố hay liên kết khu vực, không khó để nhận ra rằng mục tiêu được ưu tiên hàng đầu của quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Afghanistan vào lúc này là xây dựng được sự tin tưởng mạnh mẽ giữa hai quốc gia có chủ quyền. Kabul trông đợi New Delhi sẽ hỗ trợ nâng cao trật tự Hiến pháp và tính độc lập chính trị, thậm chí là tiến tới một hiệp ước về quốc phòng song phương. Dù những vấn đề này đã ít nhiều xuất hiện trong những thỏa thuận mà hai bên ký kết với các cường quốc nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh hầu hết các nước lớn hoặc thiếu đi ý chí hoặc có động cơ riêng của mình đối với bài toán Nam Á, chỉ có Ấn Độ và Afghanistan ngồi lại với nhau mới có thể đạt được những mục tiêu đầy tích cực đã đề ra.

Trong bối cảnh Ấn Độ đang mong muốn khẳng định vị thế không chỉ của một nền kinh tế mới nổi năng động mà còn là một vai trò khu vực và toàn cầu mạnh mẽ hơn, việc thúc đẩy hợp tác với quốc gia láng giềng Afghanistan - một phần thiết yếu của cả miền Nam, Trung và Tây Á - là một chính sách mang lại nhiều lợi ích cho New Delhi. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ hội để Ấn Độ và Afghanistan thúc đẩy việc xây dựng và củng cố được mối quan hệ láng giềng, đối tác chặt chẽ. Điều này cũng sẽ đóng góp thiết thực cho sự phát triển ổn định, an ninh và hòa bình của khu vực. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấn Độ - Afghanistan: Hợp tác vì Nam Á thịnh vượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.