Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chắc chắn có ai đó đứng sau “kịch bản Tây Nguyên”

ANHTHU| 29/04/2004 09:38

Sáng 28-4, ông Nguyễn Vỹ Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã tiếp và làm việc với hai viên chức ngoại giao Mỹ là Noah Zaring và Marc Forino. Buổi làm việc bắt đầu bằng một nhận xét thẳng thắn:

Viên chức ngoại giao Mỹ tiếp xúc với ông Y Đô (phải), làng K'Đăng Đắc Đoa

Sáng 28-4, ông Nguyễn Vỹ Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã tiếp và làm việc với hai viên chức ngoại giao Mỹ là Noah Zaring và Marc Forino. Buổi làm việc bắt đầu bằng một nhận xét thẳng thắn: "Thưa quí ngài, chúng tôi đánh giá cao sự có mặt của quý ngài ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng để kiểm chứng những thông tin về tình hình Tây Nguyên... Tuy nhiên, nhiều việc làm của các ngài không phải lúc nào cũng đúng như các ngài đã nói, chính vì thế đã làm chúng tôi nghi hoặc...".

Quĩ người Thượng - vỏ bọc mới của Fulro

Marc Forino bắt đầu bằng một đề nghị: “Chúng tôi muốn tìm hiểu về hiện tượng người dân tộc biểu tình xảy ra ngày 10-4 ở Gia Lai. Cả hai phía chúng ta đều biết thông tin này rất nhanh trên Internet, nhưng chúng tôi không chỉ hài lòng với những thông tin trên mạng, chúng tôi muốn có những chuyến đi lại, trao đổi để có những thông tin chính xác hơn. Hi vọng ngài chủ tịch vui lòng cung cấp đầy đủ những thông tin đó. Chúng tôi đánh giá cao cơ hội tiếp xúc này với ngài chủ tịch”.

Ông Nguyễn Vỹ Hà bắt đầu bằng một câu hỏi:

- Thưa quí ngài, đằng sau “kịch bản Tây Nguyên” là ai? Có đấy. Tôi khẳng định chắc chắn có ai đó đứng sau cái “kịch bản” này được “soạn thảo” trên đất Mỹ. Tôi nói vụ việc ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên vừa qua nói chung, kể cả vụ biểu tình của đồng bào dân tộc tháng 2-2001, là một “kịch bản” bởi vì nó đã được dàn dựng chi tiết, cụ thể từ những kẻ lưu vong, phản động bên ngoài.

Như các ngài đã biết và chúng tôi biết rõ hơn các ngài Ksor Kơk là ai. Đó là một tên Fulro lưu vong mà chính nhóm phản động này đã từng gây ra những vụ khủng bố, gieo đau thương, tang tóc cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vào các thập niên 1970, 1980.

Cuối năm 1990 chúng tôi đã đánh tan chúng. Một số trong đám tàn quân này đã sang Mỹ. Một lần nữa, những tên fulro lưu vong phản động đã giật dây, lừa mị, kích động, xúi giục một bộ phận đồng bào dân tộc.

Tôi nhắc lại là chỉ một bộ phận rất nhỏ chứ không phải như “kịch bản” của chúng từ bên kia, cũng như không phải như chúng tung những thông tin dựng đứng về các con số mà ngay cả một số hãng thông tấn phương Tây cũng mắc bẫy khi dẫn nguồn từ trang web của Quĩ người Thượng.

Marc Forino đề nghị:

Chúng tôi muốn có những thông tin chính xác và muốn tiếp cận những địa chỉ, những người dân bằng những chuyến đi như thế này. Chúng tôi cho rằng thông tin từ ngài chủ tịch rất bổ ích. Trong điều kiện thông tin bùng nổ từ mạng Internet, chúng ta đọc từ nguồn này nguồn khác rất cụ thể, nhưng có lúc không kiểm chứng được.

Ông Hà hỏi ngược lại:

- Các ngài không biết hết ư? các ngài hẳn còn nhớ ngay sau khi sự kiện Tây Nguyên tháng 2-2001 xảy ra được 1 giờ, chính các ngài đã đòi lên Tây Nguyên. Còn trở lại vụ việc ngày 10-4 vừa qua, trước đó vài hôm chính các ngài đã đặt vấn đề lên Gia Lai đấy thôi.

Dù không muốn, chúng tôi cũng phải nói thẳng rằng liệu có hay không sự ủng hộ Ksor Kơk và Quĩ người Thượng từ phía Chính phủ Hoa Kỳ?

Chúng tôi ghi nhận tuyên bố của Chính phủ Hoa Kỳ rằng không ủng hộ tổ chức phản động Đề Ga, song chúng tôi nhận thấy không hoàn toàn như vậy. Giữa lời nói và việc làm của các ngài có một khoảng cách khiến có lúc chúng tôi cảm thấy quan ngại và nghi hoặc.

Bằng những gì đã xảy ra, tôi nghĩ rằng cá nhân các ngài hôm nay có thể chia sẻ với chúng tôi điều đó. Từ luận điệu lừa gạt, kích động của Ksor Kơk, một số người dân tộc sau khi nhận ra lỗi lầm đã nói rằng: người Mỹ sẽ cho máy bay đến đón những người biểu tình, sau khi họ thẳng tay manh động, đập phá trụ sở chính quyền, tài sản nhà nước và mạnh tay gây sát thương những người thi hành công vụ.

Chẳng lẽ các ngài không biết chi tiết này trong “kịch bản Tây Nguyên” của Quĩ ngườiThượng mà Ksor Kơk đã lu loa rầm rộ trước đó từ đất Mỹ?

- Sau sự kiện vừa qua - Marc Forino hỏi - chúng tôi biết có một số người đang lẩn trốn.

Ông Hà nói tiếp:

- Đấy cũng là một phần trong “kịch bản” của Ksor Kơk. Thưa các ngài, các ngài đã có nhiều thông tin của “kịch bản” này hơn tôi tưởng. Song chúng tôi thông tin cho các ngài biết là lần lượt họ đã về với gia đình, với buôn làng quê hương, hiện giờ chẳng có trường hợp nào đang lẩn trốn cả.

- Ngài chủ tịch vui lòng cho chúng tôi biết trong số người biểu tình có ai bị bắt, bị xét xử, có bao nhiêu địa điểm xảy ra biểu tình? - Noah Zaring hỏi.

“Khoảng vài ba ngàn người biểu tình, gây rối xảy ra ở chín điểm với 30 làng trên địa bàn ba huyện Đăk Đoa, Chư Sê và Ayun Pa - ông Hà trả lời - có làng chỉ vài ba người, có làng khoảng 10-20 người, làng nhiều nhất khoảng 30-40 người tham gia. Tổng cộng khoảng 40-50 xã của ba huyện nói trên có người tham gia gây rối, biểu tình. Chỉ những tên đầu sỏ, hung hãn bị bắt. Tôi nghĩ có thể họ sẽ bị xét xử về tội cố ý gây rối an ninh trật tự công cộng”.

Qui mô nhỏ hơn nhưng hung hãn hơn năm 2001

Ngài chủ tịch có thể so sánh với sự kiện tháng 2-2001, họ tấn công người thi hành công vụ như thế nào, bao nhiêu người bị chết, bị thương?” - Noah Zaring hỏi.

Ông Nguyễn Vỹ Hà:

- So với năm 2001 thì qui mô nhỏ hơn, diễn ra lẻ tẻ và dàn trải hơn. Nhưng lần này tính chất rất hung hãn mang màu sắc khủng bố. Khác năm 2001, lần này, những tên đầu sỏ bịt mặt đứng sau chỉ đạo, xúi giục kể cả hăm dọa bà con dân tộc khi một số người nhận ra sai lầm tự động bỏ về làng.

Khi có lực lượng dân quânxuất hiện để vận động bà con giải tán, vãn hồi trật tự thì chúng tấn công bằng đá, bằng gậy gộc, hậu quả là một người đã bị chúng đánh chết, chúng tôi đã nỗ lực nhưng không cứu kịp.

Về phía những người biểu tình, trong không khí hỗn loạn, bị kích động, họ ném đá vào lực lượng dân phòng vô tình trúng đầu người đi biểu tình đã làm hai người bị chết. Các bác sĩ đã làm hết khả năng cứu chữa nên hạn chế tử vong. Đến giờ này, những người được điều trị đã xuất viện, tất cả trong tình trạng sức khỏe đã phục hồi.

Theo đề nghị của các viên chức Hoa Kỳ, toàn bộ băng video tư liệu hiện trường được chiếu đi chiếu lại, kể cả các loại gậy gộc, đá, dao rựa, khẩu hiệu thu được sau khi cuộc biểu tình giải tán chiều 10-4.

Gần 11 giờ trưa 28-4, theo đề nghị của các viên chức Hoa Kỳ, họ đã đến làm việc với Ban Dân tộc - tôn giáo của tỉnh và đến làm việc tại nhà mục sư Siu Kim ở làng Pleiku Roh, TP Pleiku.

Tại đây, chính hai viên chức Hoa Kỳ yêu cầu các nhà báo không được tiếp cận. Cuộc làm việc với mục sư Siu Kim kéo dài đến gần 12 giờ trưa. Khác với thường ngày, mục sư Siu Kim từ chối trả lời một vài câu hỏi của các nhà báo và chỉ nói rằng: “Cuộc tiếp xúc với hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ rất cởi mở”(?).

13h30 ngày 28-4, phái đoàn Hoa Kỳ xuống các xã K'Dang, Glar, huyện Đăk Đoa. Họ đã gặp và trao đổi với nhiều bà con dân tộc địa phương. Chính bà con đã nói rằng họ bị lừa gạt, xúi giục, kích động gây rối, biểu tình. Bây giờ họ chỉ tin vào chính quyền, tin chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất.

Một số bà con là tín hữu Tin Lành nói rằng: Chúa dạy con người biết yêu thương nhau, chính vì vậy nếu là người có đức tin, không ai ném đá vào đồng loại. Ngay trong Kinh thánh cũng vậy, chỉ có bọn tà đạo mới làm như thế...

Theo TT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chắc chắn có ai đó đứng sau “kịch bản Tây Nguyên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.