Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba giờ với Bộ trưởng xin từ nhiệm Lê Huy Ngọ

HONGHAI| 09/05/2004 09:55

Từ nhiệm có phải là quyết định khó khăn nhất trong đời bộ trưởng của ông?

Người đời thường gọi ông là bộ trưởng nông dân. Và mỗi khi bão lũ về nhiều người lại nhớ đến ông với tên gọi bộ trưởng lũ lụt. Năm nay, tháng 5 bão lũ chưa về, nhưng bản thân ông, giờ lại đang trở thành "tâm bão" với tên gọi mới: Bộ trưởng đầu tiên làm đơn xin từ chức.

Không có khái niệm "từ nhiệm" trong bất kỳ văn bản pháp luật nào của ta liên quan đến vấn đề nhân sự, nhưng chúng tôi đành "mạo gọi" như vậy, khi ngồi với ông trong hơn 3 giờ đồng hồ tại ngôi nhà riêng, khuất nẻo trong con ngõ nhỏ phố Đội Cấn.

Sau một hồi im lặng đến ngột ngạt, ông mới khẽ nói: "Tôi là người của tổ chức, tôi làm theo ý kiến của tổ chức...". Đằng sau câu nói khẽ, khẽ như nói với chính mình ấy, chúng tôi hiểu ông đã chọn, đã cân nhắc cho kín kẽ lắm rồi.

´ Từ nhiệm có phải là quyết định khó khăn nhất trong đời bộ trưởng của ông?

(Lại một khoảng lặng tê người)
- 12 năm trước, khi tôi đang là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, anh Linh (nguyênTổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) gọi tôi lên hỏi, Bộ Chính trị có ý định đưa anh về làm Bí thư Thanh Hoá anh thấy thế nào? Hồi đó, do mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tình hình của Thanh Hoá rất phức tạp, nhưng tôi đã thưa lại với anh Linh là tôi phục tùng sự điều động của Bộ Chính trị. Đó là quyết định khó khăn thứ nhất. Về Thanh Hoá tôi cũng chưa biết tỉnh uỷ ở đâu, cũng chẳng có ai ra đón, tôi biết khó khăn đầy rẫy đang chờ đợi. Nhưng rồi, sau mấy năm chèo lái, Thanh Hoá cũng được đánh giá là ổn định, đoàn kết và phát triển.

Quyết định khó khăn thứ hai là về dịch cúm gà. Theo quy định quốc tế, vùng diệt gia cầm là trong vòng bán kính 3km. Tôi đi, lần mò thực tế tận nơi và nhận ra, nếu mình thực hiện theo đúng quy định này thì  không biết sẽ có bao gia đình bà con phải tự tay huỷ diệt nguồn sống của chính gia đình. 4-5 đêm nằm vắt tay  suy nghĩ. Cuối cùng tôi xin ý kiến Chính phủ, quyết định điều chỉnh, hạn chế phạm vi vùng diệt gia cầm. May sao, quyết định hồi đó của tôi đã được Chính phủ ủng hộ và đã góp phần hạn chế được những khó khăn cho bà con nông dân.

Quyết định khó khăn thứ ba là việc ra toà làm chứng trong vụ án Lã Thị Kim Oanh. Hầu như tất cả  người thân trong gia đình đều phản đối, không muốn tôi ra. Ở nước mình việc một ông bộ trưởng phải ra toà, cho dù chỉ với tư cách làm chứng thì cũng là điều gây sốc. Nhưng tôi đã quyết định không tránh né, ra toà để làm cho sáng mọi chuyện. Cuối cùng thì thực tế cũng đã cho thấy mình hành động đúng. Còn lần này...

Ông bỏ lửng câu trả lời trọn nghĩa. Lại im lặng. Có lẽ bởi sự có mặt của bà Liên, vợ ông. Thỉnh thoảng bà lại lên gác, quẩn quanh bên ông, lúc rót nước, lúc nhắc ông chỉnh lại chiếc áo tuột khuy... Bà quay đi rồi, ông mới nói khẽ: "Con tôi ốm, liệt đã 30 năm mình bà ấy chăm...".

´ Trước khi viết đơn từ chức, ông có nghĩ đến những việc ông muốn làm, lẽ ra phải làm được mà cuối cùng vẫn còn dang dở?

 - Có 2 cái lớn: Đó là chưa đưa được trình độ công nghệ của người VN vượt qua  mức truyền thống đi vào công nghiệp hoá hiện đại hoá. Thứ hai làm thế nào để nền nông nghiệp VN gắn sát với thị trường, hoà nhập được với nền nông nghiệp thế giới. Về công việc thì còn nhiều hoài bão và khát vọng lắm. Những ý thức về trách nhiệm... ý tưởng cho nông nghiệp, cho nông dân,  không làm sao dứt được... Để hay cắt? Cắt hay để? Thực tâm mà nói toàn bộ suy nghĩ của mình, động cơ của mình, niềm say mê của mình đều gắn vào nông nghiệp, nông dân. Bây giờ bảo thôi, cắt. Đau thật đấy! Nhưng mà không thôi, thì là tham quyền cố vị...

´ Bão lũ, người ta thấy ông quần xắn lội trong mưa, rừng cháy, lại thấy ông trần mình trong nắng đổ. Nhưng với một Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp chừng ấy thôi, dường như chưa đủ....

 - Năm 1997 tôi nhận  nhiệm vụ Bộ trưởng, vừa từ TP Hồ Chí Minh bay ra thì cơn bão số 5 ập tới. Năm 1998 hạn hán nghiêm trọng toàn bộ dải miền Trung, năm 1999 chính nơi đây lại gặp đại hồng thuỷ. 2000 thì đến Nam Bộ. Năm 2003 thì đại dịch cúm gia cầm, còn năm nay hạn hán trở lại với mức độ cao nhất trong vòng 40 năm... Mỗi năm, 12 tháng thì có tới 7 - 8 tháng tôi đi các địa phương. Nhiều người đùa bảo số tôi là số khổ... Còn nói về trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, thì đúng là  tôi còn rất nhiều việc phải làm. Lẽ ra mình  phải nỗ lực hơn nữa trong các vấn đề về chính sách. Nói gì thì nói, dù nông nghiệp có đạt được thành tích xuất khẩu gạo, càphê đứng hàng thứ hai thế giới, điều, rồi tiêu đứng vị trí thứ nhất mà ở những vùng sâu, vùng xa có lúc dân vẫn còn thiếu đói thì không thể nói mình thanh thản được. 

´ Vậy còn việc quản lý doanh nghiệp, chẳng lẽ ông "quên" chính đây là điều khiến ông phải làm đơn xin từ chức?
(Lại im lặng, như để nén lại một nỗi đau khó cất lời).

- Đây là vấn đề quản lý nhà nước. Với hệ thống doanh nghiệp quá lớn: 18 tổng công ty, hơn 400 doanh nghiệp mà mình vẫn chưa hoàn thiện được hệ thống quản lý. Thực hiện chế độ phi chủ quản, thì thay thế nó bằng cái gì? Kiểm tra giám sát nó như thế nào? Đó là điều bất cập!  là nỗi đau dẫn đến vụ Công ty Tiếp thị.

´ Thử đặt ra 2 giả thiết. Thứ nhất, nếu Quốc hội không chấp nhận đề nghị của ông và Chính phủ về việc từ nhiệm, ông sẽ làm gì  để không lặp lại những "nỗi đau" đó?

- Ngay sau vụ Cty Tiếp thị, tôi đã chuẩn bị dự án thành lập một ban đổi mới và giám sát các doanh nghiệp do các cán bộ chuyên trách tham gia. Ban này sẽ chịu trách nhiệm trước bộ trưởng về việc giám sát các doanh nghiệp. Kiên quyết đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá là trọng tâm. Việc này phải làm quyết liệt. Tiếp đến là phải sắp xếp lại các cán bộ  trong các doanh nghiệp, thay đổi phương pháp đánh giá...

´ Giả thiết thứ hai, nếu QH chấp thuận việc ông từ chức, ông có nghĩ sẽ có người khác làm tốt hơn ông?

- Có, Tôi có niềm tin ấy.

´ Và có thể chăng, việc thay thế  sẽ đem lại sự phát triển cho ngành, cho nông dân?

- Phải thế chứ! Vì họ đã thấy rõ những nhược điểm, khuyết điểm của chúng tôi rồi.

- "Vướng trên, vướng dưới, khó lắm Hà ơi!" - Câu nói này của ông đã trở nên "nổi tiếng" khi nguyên Thứ trưởng Nguyễn Quang Hà tiết lộ trước toà. Và cho đến nay, nó vẫn còn là điều "bí ẩn" đối với không ít người?

Lại một lúc trầm ngâm, ông mới bảo:

- Khi anh Hà nói với tôi về chuyện Cty Tiếp thị đúng là tôi có nói vậy thật. Lúc đó Cty Tiếp thị đang là chủ đầu tư một loạt dự án được Chính phủ phê duyệt đó là vướng trên. Nhìn xuống thì lại có một loạt các đơn vị ngân hàng tầm cỡ cho vay. Đó là vướng dưới.

´ Trước khi vụ án Cty Tiếp thị  bị điều tra khởi tố, nhiều người vẫn nghĩ Lã Thị Kim Oanh là người đầy thế lực. Lúc đó, Lã Thị Kim Oanh được đánh giá thế nào?

- Tôi đã nghe và nghe không chỉ một lần, những người lãnh đạo đánh giá: Lã Thị Kim Oanh có 3 thế mạnh: Đó là một người năng động, được việc và có nhiều mối quan hệ tốt. Đặc biệt, có người đã từng nói, vị trí của Lã Thị Kim Oanh tương lai phải tương đương với thứ trưởng.

´ Vậy còn bây giờ, nếu để nói về Lã Thị Kim Oanh chắc hẳn ông đã có đánh giá khác?

- Tôi chỉ có thể nói:  Đó là một người hãnh tiến...

´ Nghe nói bà giám đốc này đã có lần từng "doạ" cả bộ trưởng?

- Dạo tôi không cho đi nước ngoài, không cho lập tổng công ty, cô ấy "doạ" tôi ghê lắm. Cô ấy bảo việc này đã báo cáo với Chính phủ, có văn bản đây, tại sao anh không cho làm? Tôi bảo, bây giờ chưa đủ sức, phải chuẩn bị cán bộ mới làm được. Còn việc không đồng ý cho đi nước ngoài, tôi bảo công việc còn bộn bề thế này đi thế nào được. Sau này, khi đã có những dấu hiệu vi phạm rõ ràng tôi đã cho thanh tra.

´ Nhưng thanh tra mà sao không phát hiện điều gì? Ra toà, các vụ trưởng còn nói Lã Thị Kim Oanh "vô hiệu hoá" thanh tra bằng cách trốn không tiếp?

- Sao lại không phát hiện điều gì.  Phát hiện 51 tỉ tạm ứng cho các cá nhân trong công ty. Có người tạm ứng đến cả 2 tỉ đồng. Sau đó chính tôi đã yêu cầu chuyển hồ sơ  sang cơ quan điều tra để cho minh bạch mọi chuyện. Đúng là mình có phần trách nhiệm. Tôi không né tránh, nhưng trách nhiệm đến đâu, tôi chịu đến đó.

                                                                         ***
Chiều muộn. Nhà ông trong ngõ sâu. Không gian yên ắng quá. Nhiều lúc tôi thèm nghe tiếng nghịch đùa của trẻ nhỏ cho bớt nặng nề. Tôi  hỏi: ông có mấy cháu?. Nhưng dường như ông không nghe rõ. Tôi lại hỏi: "Cháu có biết chuyện này?" Lần này thì ông nghe, rồi bảo: "Nó 6 tuổi. Hôm rồi, chẳng biết ai xui, nó hỏi: Sao ông từ chức hả ông? Rồi nó lại an ủi: ông còn khối việc để làm, như trồng cây ông nhỉ". "Ông trả lời sao?" "Tôi chỉ cười thôi, vì với con trẻ không thể nói dối, anh ạ!".

Tôi đưa ông mảnh giấy có ghi 2 câu thơ Hán cổ: "Tuế nguyệt đường đường lưu bất đắc/ Tạc phi kim thị chỉ tâm tri" nhờ  ông đọc lời dịch. Ông cười, nụ cười hiếm hoi trong suốt buổi trò chuyện: "Ngày tháng cứ trôi đi, ta làm sao giữ được mình/ Cái đúng, cái sai ở đời, chỉ mình mình biết được mà thôi...

 Viết đúng tâm trạng mình khó lắm. Đang định đảo lại. Viết cho thật ngắn chỉ nửa trang: Tôi xin từ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xin đề nghị Quốc hội xem xét cân nhắc. Tôi xin cảm ơn...
Duy Phương - Phạm Hiếu(LĐ)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba giờ với Bộ trưởng xin từ nhiệm Lê Huy Ngọ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.