Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục bất cập, bảo đảm thuận lợi cho công tác bầu cử

Thành Tâm| 26/10/2010 07:09

(HNM) - Ngày 25-10, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) và thảo luận tại tổ về những nội dung liên quan. >> Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII

Trước đó, theo chủ trương chung, đã được thể chế hóa qua các nghị quyết của QH về rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XII và kéo dài nhiệm kỳ HĐND, năm 2011, nước ta sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) và tiếp theo sẽ tiến hành bầu cử đồng thời ĐBQH khóa XIII và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Việc sửa đổi các luật liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động này, đồng thời khắc phục những hạn chế đã bộc lộ qua quá trình thực thi.

Theo báo cáo của Chính phủ, qua tổng kết các kỳ bầu cử gần đây, hoạt động bầu cử đều được tiến hành đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, dân chủ, tiết kiệm, đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu tiến hành bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND trong cùng một ngày thì sẽ có một số vấn đề vướng mắc phát sinh cần phải giải quyết. Hiện nay, Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử ĐBHĐND có quy định khác nhau về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề về chỉ đạo bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử, số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu, trình tự, thủ tục... Với các quy định khác nhau như vậy, nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử độc lập theo từng luật thì sẽ rất phức tạp, gây lãng phí về thời gian, tiền của và công sức.

Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy bên cạnh những ưu điểm thì còn một số quy định của các luật về bầu cử có hạn chế, bất cập. Trong những hạn chế, bất cập đó có những vấn đề cần phải được nghiên cứu sâu hơn để sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện và đồng bộ với các luật khác về tổ chức bộ máy nhà nước như các vấn đề liên quan đến quyền bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam ở nước ngoài, điều kiện, tiêu chuẩn đại biểu, điều kiện tự ứng cử, các bước của quy trình hiệp thương... Đồng thời, cũng có một số quy định chưa phù hợp, gây khó khăn, lúng túng cho quá trình triển khai bầu cử cần phải được sửa đổi nhằm bảo đảm thuận lợi cho công tác bầu cử.

Thảo luận về dự án luật này, đại đa số các đại biểu thống nhất về tính cần thiết phải khẩn trương hoàn thiện và ban hành luật. Các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Vũ Hồng Anh (Hà Nội), Đinh Mươk (Quảng Nam) cho rằng, với lý do đáp ứng yêu cầu bầu cử trong năm 2011 và do luật hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, nhất thiết phải ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐBHĐND. Ngoài ra, để dự án luật được hoàn thiện, các đại biểu đề nghị cần bám sát thực tế để bổ sung một số điều cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi của luật. Chẳng hạn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Đăng Kính (đoàn Hà Nội) đề xuất, trong tình hình thực tế địa giới hành chính của Thủ đô đã mở rộng, cần xem xét theo hướng nâng số lượng ĐBQH, ĐBHĐND của Hà Nội cho phù hợp với điều kiện thực tế. Các đại biểu cũng cho rằng nên quy định rõ về tỷ lệ cơ cấu đại biểu nữ để phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước...

* Trong ngày 25-10, Quốc hội tiếp tục nghe trình bày về các dự án luật, nghị quyết: Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Khiếu nại. Riêng với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao về sự cần thiết của Nghị quyết.

Đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) minh họa cho sự cần thiết của chủ trương này rằng, thời gian qua, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nếu năm 2006, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này chiếm tỷ lệ 6% thì năm 2009 chỉ còn 1%. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu Nghị quyết được thông qua sẽ tạo thêm vốn cho nông dân, khuyến khích đầu tư và tái đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Đi vào những vấn đề cụ thể, các đại biểu đồng tình với việc có Nghị quyết miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2011 song còn có những ý kiến khác nhau về thời hạn miễn, giảm thuế (5 năm hay 10 năm). Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát đối tượng được miễn, giảm thuế để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cả về kinh tế và xã hội.

Bên lề Quốc hội

* Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên):
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để khoan sức dân

Sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, nên việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là điều rất cần thiết và theo tôi nên miễn toàn bộ thuế đối với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích. Đây chính là một cách để chúng ta khoan sức dân. Thực tế cho thấy, tổng thu thuế sử dụng đất nông nghiệp không nhiều so với các sắc thuế khác.

Về thời hạn miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nên tính 5 năm là phù hợp. Nếu 5 năm sau, điều kiện sử dụng đất nông nghiệp khác đi thì sẽ bàn tiếp. Ngoài ra, việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là việc làm hết sức quan trọng, cần thiết trong thời điểm lũ lụt, thiên tai luôn rình rập và đã gây ra những thảm họa lớn ở miền Trung và một số vùng khác trong cả nước.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:
Chính sách tiền tệ và tài khóa không gây bất ổn thị trường

Về ý kiến cho rằng, hiện nay, một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn trên thị trường tài chính tiền tệ là do chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa không ăn khớp nhau, nói như vậy không chính xác. Trong 2 năm vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội cho nới lỏng cả vấn đề chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tuy nhiên, sau vấn đề đó chúng ta phải điều chỉnh dần về quỹ đạo chung và hiện nay Chính phủ đang điều hành theo định hướng đó. Ngay kể cả phát hành trái phiếu cũng là phối hợp giữa tài chính và ngân hàng, nhằm kéo lãi suất xuống. Từ đầu năm đến nay, mỗi khi phát hành trái phiếu chính phủ, lãi suất đều giảm.

Xung quanh mức lạm phát cao, ta không nên so sánh với các nước trong khu vực, bởi mặt bằng giá mỗi nước hình thành khác nhau và phụ thuộc vào nhiều vấn đề mà chúng ta cần phân tích kỹ hơn.

Tư Đô ghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục bất cập, bảo đảm thuận lợi cho công tác bầu cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.