Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung xây dựng nền móng

Bình Yên| 30/07/2012 06:25

(HNM) - Mười năm Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn" đi vào cuộc sống đã mang lại sự chuyển biến căn bản trong hệ thống chính trị ở cơ sở của TP Hà Nội.

Vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, năng lực giải quyết công việc của chính quyền, hoạt động của đoàn thể chính trị ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả. Mô hình chuẩn cho khu dân cư đã được định hình, cơ bản thực hiện thống nhất ở nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được cơ bản, Hà Nội cần chăm lo tốt hơn cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Chi bộ có vai trò quan trọng trong lãnh đạo các đoàn thể chính trị ở cơ sở giải quyết những vấn đề phát sinh trong nội bộ nhân dân. Ảnh: Linh Tâm

Thiết lập một mô hình chuẩn

Bí thư Chi bộ khu dân cư (KDC) số 10, phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) Nguyễn Trọng Đệ phản ánh, cái được lớn nhất ở địa phương ông khi thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) là đã làm rõ cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. Vai trò tổ chức Đảng (TCĐ) nâng lên, đòi hỏi bí thư chi bộ phải nắm bắt được mọi tình hình hoạt động KDC, những vướng mắc, khó khăn; tổ dân phố và các đoàn thể phải sâu sát để có thông tin cung cấp cho chi ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm từ cơ sở. Vì vậy, nhiều năm liền KDC số 10 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Lê Thị Minh Nguyệt, yếu tố căn bản là phải bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống chính trị (HTCT) ở cơ sở và xây dựng được một cơ chế hoạt động, mối quan hệ công tác của các tổ chức ở KDC. Quận Hoàn Kiếm đã làm được điều này khi quyết định sắp xếp từ 189 chi bộ Đảng gộp thành 163 chi bộ; 977 tổ dân phố gộp thành 696 tổ; thống nhất được nguyên tắc một chi bộ lãnh đạo một số tổ dân phố (theo địa bàn quản lý của cảnh sát khu vực), một ban công tác mặt trận, chi hội phụ nữ, cựu chiến binh và chi đoàn thanh niên.

Sau khi phát hiện những bất cập về mô hình và nhanh chóng điều chỉnh, đến nay hầu hết các quận, huyện, thị xã của TP đã thống nhất mô hình chuẩn: mỗi thôn, KDC có một chi bộ lãnh đạo. Sự đồng bộ này không chỉ giúp cho công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước dễ "ngấm sâu, bám lâu" mà còn tăng tính chủ động và trách nhiệm của HTCT ở cơ sở trong việc phát hiện, giải quyết những vấn đề phát sinh trong nội bộ nhân dân, giữ vững ổn định tình hình.

Thực hiện tốt chính sách cán bộ

Ngoài việc xây dựng được mô hình chuẩn của HTCT ở KDC, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tại 577 xã, phường, thị trấn. Quận Hoàn Kiếm trong 10 năm đã mở 918 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác, kỹ năng xử lý công việc cho 114.006 lượt cán bộ cơ sở. Trong số 184 cán bộ phường hiện nay, số có trình độ trung cấp, CĐ, ĐH chiếm 93,8%, hầu hết đã qua đào tạo quản lý nhà nước. Năm 2002, khi Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) ra đời, không ít cán bộ chủ chốt các xã của huyện Ứng Hòa vẫn chưa được đào tạo bài bản, thậm chí nhiều người chưa tốt nghiệp THPT. Sau nhiều năm khuyến khích, giao chỉ tiêu, phối hợp với các trường ĐH, CĐ mở lớp tại địa phương, đến nay số cán bộ đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị chiếm hơn 60%. Phấn đấu đến năm 2015 huyện sẽ có 80% cán bộ chủ chốt cấp xã đạt chuẩn, đúng chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP đề ra.

Tuy nhiên, phần đông cán bộ được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị, chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước nhưng chưa được bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế và các lĩnh vực chuyên ngành, dẫn tới hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, dễ xảy ra sai sót, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đặc thù công việc của khối phường, thị trấn so với khối xã có sự khác biệt. Nói cách khác, chính quyền khu vực đô thị khác với chính quyền khu vực nông thôn, nhưng tại Hà Nội chưa có sự phân định rõ về mô hình, dẫn tới tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ. Trước bất cập đó, các quận, huyện kiến nghị TƯ và Thành ủy Hà Nội sớm có sự phân định về quy định, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền phường (thị trấn) và xã; trên cơ sở đó để bố trí cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ cho phù hợp. Đặc biệt, cần phá bỏ sự phân biệt giữa cán bộ, công chức chuyên môn cấp xã, phường với cấp quận (nhất là ở đô thị) để tạo sự liên thông trong đội ngũ cán bộ công chức, thuận lợi cho việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ.

Thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX), Đảng bộ TP Hà Nội đặc biệt quan tâm nâng cao công tác quy hoạch đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho cấp cơ sở. Hiện nay, trong số 18.470 cán bộ xã, phường, thị trấn, số cán bộ trẻ chiếm 3,6%; cán bộ nữ chiếm 19,6%. Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia HĐND cấp xã, phường nhiệm kỳ 2011-2016 chiếm 14,81%; cán bộ nữ 25,19%.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ chính trị lý luận từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ chủ chốt cấp phường, thị trấn và trên 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung xây dựng nền móng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.