Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu giải pháp căn cơ chống tham nhũng

An Trân| 27/10/2012 06:58

(HNM) - Nhận định của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012


Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội, tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước…" đã nhận được nhiều sự đồng tình của các ĐBQH tại phiên thảo luận tổ về công tác PCTN chiều 26-10. Nhiều ý kiến đề nghị, ngoài việc nhận diện yếu kém, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để cán bộ, công chức không thể và không dám tham nhũng...


Cải cách thủ tục hành chính là một trong những biện pháp tốt để phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Linh Tâm

Tự phát hiện vẫn là khâu yếu

Năm 2012, công tác PCTN đã được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao trên nhiều phương diện từ việc xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách, tuyên truyền phổ biến pháp luật tới các hoạt động thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý tham nhũng. Riêng trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm toán nhà nước, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.948 tỷ đồng và 2.610ha đất (đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng); ban hành 163.434 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 324 tỷ đồng (đã thu được 260 tỷ đồng). Kiến nghị xử lý, kỷ luật hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người. Năm 2012, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 59.496/70.587 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,3%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 96,7 tỷ đồng, 84ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 215,5 tỷ đồng, 132,3ha đất; minh oan cho 343 người; trả lại quyền lợi cho 2.960 người, kiến nghị xử lý hành chính 493 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 49 vụ việc, 56 người. Từ đầu năm đến nay, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, việc thu hồi và bồi thường tài sản bị tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra còn hạn chế. Cá biệt, một số vụ việc khi tiến hành thanh tra, kiểm toán thì không phát hiện được tham nhũng, nhưng sau đó cơ quan điều tra lại phát hiện hành vi tham nhũng và ra quyết định khởi tố vụ án. Điều này cho thấy, tự phát hiện vẫn là khâu yếu trong công tác PCTN hiện nay.

Thiếu các giải pháp căn cơ

Đồng tình với nhận định và những kết quả đã đạt được trong công tác PCTN, song nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại khi báo cáo của Chính phủ vẫn còn quá chung chung, chưa nêu rõ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác PCTN. Những lĩnh vực, ngành nào còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống, các giải pháp có tính đột phá để tăng cường hiệu quả công tác PCTN. ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, báo cáo của Chính phủ còn mờ nhạt, hình thức, phân tích đánh giá rất sơ sài. Chính vì vậy không phản ánh đúng thực trạng PCTN hiện nay trong xã hội và chưa chỉ rõ nguyên nhân cơ bản, đề ra giải pháp đột phá. Báo cáo chỉ nêu ra mấy vụ án, nhưng tham nhũng kéo dài, âm ỉ trong các lĩnh vực như hải quan, thuế, khai thác rừng, khoáng sản, dự án các địa phương, đầu tư công, vốn và tài sản nhà nước chưa được đề cập. Mặt khác, qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện hàng ngàn vi phạm về kinh tế, nhưng thu hồi lại được quá ít, vậy phần còn lại đi đâu?

ĐB Đoàn Hà Nội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, chúng ta vẫn đang chống tham nhũng trên diện rộng mà chưa đi vào thực chất vấn đề. Việc kê khai tài sản đang được thực hiện rất hình thức, theo ông Quyền, muốn chống tham nhũng cần tính tới kiểm soát tài sản của toàn xã hội.

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng khiến tệ nạn tham nhũng gia tăng theo đánh giá của nhiều ĐBQH là tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó một số cán bộ là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, nên không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện ngại đấu tranh với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý. Vì thế QH cần đánh giá, làm rõ những nguyên nhân nói trên để tìm ra giải pháp khắc phục cụ thể, có hiệu quả đối với vấn nạn tham nhũng hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu giải pháp căn cơ chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.