Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn: Cần đánh giá cụ thể và toàn diện

Bình Yên| 28/02/2013 07:10

(HNM) - Trong kế hoạch làm việc năm 2013, Thành ủy Hà Nội sẽ sơ kết việc thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/ BTCTƯ ngày 10-10-2007 của Ban Tổ chức Trung ương về thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của mô hình chi bộ xã, phường, thị trấn.
Ảnh: Bá Hoạt


Năm 2008, Đảng bộ phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) thành lập chi bộ cơ quan phường. Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Văn Thủy cho rằng, từ khi thực hiện mô hình này đã tạo thêm thuận lợi cho các đảng viên trong sinh hoạt, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Trước đây, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phường sinh hoạt ở cơ sở nên việc đóng góp ý kiến cho cá nhân không được thường xuyên, nay cùng sinh hoạt tại phường nên dễ nhận thấy khuyết điểm để góp ý cho nhau kịp thời sửa chữa, giúp nhau cùng tiến bộ; việc nhận xét, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm chính xác hơn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm cũng như biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ đã phát huy tốt vai trò theo quy định của Điều lệ Đảng, là hạt nhân chính trị vừa thể hiện vai trò lãnh đạo, vừa là trung tâm đoàn kết ngay tại cơ quan cao nhất của địa phương. Do đó, cần tiếp tục duy trì mô hình này.

Đảng bộ xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) có 222 đảng viên sinh hoạt tại 14 chi bộ, trong đó có 10 chi bộ sản xuất, 3 chi bộ nhà trường và 1 chi bộ cơ quan xã. Thực hiện Hướng dẫn số 10, chi bộ cơ quan xã được thành lập tính đến nay đã được 5 năm với gần 30 đảng viên. Là người trong cuộc, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Lương Bằng cho rằng, chi bộ cơ quan xã có điều kiện chăm lo công tác phát triển Đảng tốt hơn, đảng viên sinh hoạt cũng đều đặn, nền nếp hơn.

Tuy nhiên, phần đông đảng viên đều băn khoăn trước thực tế, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đều thông qua chi bộ cơ sở triển khai đến với đảng viên và quần chúng nhân dân, song các đồng chí cán bộ đương chức tập trung hết về xã, các chi bộ thôn, xóm bị trống. Đảng ủy xã có phân công cán bộ xã phụ trách thôn cũng không hiệu quả bằng cán bộ chủ chốt cùng dự sinh hoạt và trực tiếp chỉ đạo thôn như trước đây. Nếu địa phương nào, cán bộ xã xa rời cơ sở thì việc triển khai các nghị quyết của Đảng rất dễ qua loa, hình thức, kém hiệu quả, làm suy yếu chi bộ cơ sở… Băn khoăn này có lý bởi trên thực tế, ngay tại huyện Phú Xuyên, căn bệnh "xa rời cơ sở", thiếu kiểm tra, giám sát là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; thậm chí, có chi ủy còn ban hành nghị quyết trái với thẩm quyền và Điều lệ Đảng.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Văn Lực chia sẻ thêm: "Theo quy định, hằng tháng chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn sinh hoạt định kỳ, tập trung thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai; phân công nhiệm vụ cho đảng viên... Tuy nhiên, có trường hợp do không nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, đồng chí bí thư chi bộ lại sa đà vào việc đánh giá hoạt động của Đảng ủy, UBND, có khi còn chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND. Nếu không xác định đúng nội dung, phân rõ vai trò, trách nhiệm, rất dễ rơi vào tình trạng nghị quyết của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trở thành… nghị quyết của đảng ủy; bí thư chi bộ cơ quan… "to" hơn bí thư đảng ủy”.

Lãnh đạo một số quận ủy, huyện ủy cũng phản ánh, một số chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn bộc lộ nhiều hạn chế trong hoạt động như nội dung sinh hoạt chi bộ trùng với nội dung họp của đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân; xây dựng, ban hành nghị quyết chung chung, thiếu cụ thể; một bộ phận đảng viên có biểu hiện xa rời chi bộ khu dân cư. Trên thực tế, một số chi bộ chưa phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan xã, phường, thị trấn.

Từ thực tiễn triển khai tại cơ sở, các ý kiến cho rằng: Một là, thôi không nên thực hiện mô hình này vì không hiệu quả, ngược lại còn khiến cán bộ xa rời cơ sở, xa rời nhân dân; hai là, tiếp tục duy trì mô hình nhưng chỉ nên thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn ở những nơi có đủ điều kiện, không ảnh hưởng đến chất lượng của các chi bộ khu dân cư, kèm theo đó cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Dư luận đang mong chờ các cấp ủy và trung ương sớm sơ kết, đánh giá việc thực hiện Hướng dẫn số 10, trên cơ sở đó có biện pháp chỉ đạo tiếp theo đối với mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn: Cần đánh giá cụ thể và toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.