Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định quyền sử dụng đất như quyền tài sản trong Hiến pháp

Võ Lâm| 08/03/2013 06:02

(HNM) - Một trong những nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được góp ý sôi nổi nhất hiện nay là vấn đề sở hữu đất đai.

- Hiện nay, có nhiều ý kiến trái chiều về quy định sở hữu đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi, quan điểm của Phó Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

- Sở hữu đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội. Bây giờ nếu đặt vấn đề đa hình thức sở hữu đất đai, sẽ có nhiều vấn đề phức tạp về mặt chính trị và xã hội. Nhưng cái chính không phải ở quy định sở hữu mà là quy định quyền của người chủ sở hữu đất. Nhà nước thay mặt cho toàn dân sở hữu tài nguyên đất. Người dân được giao quyền sử dụng đất như quyền tài sản. Pháp luật phải bảo hộ được quyền tài sản đó của người dân và khắc phục được những bất cập hiện nay trong các lĩnh vực thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... thì sẽ không còn thắc mắc về vấn đề sở hữu. Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về sở hữu đất đai. Nhưng nhìn chung đa số đều khẳng định trong điều kiện hoàn cảnh của nước ta, sở hữu toàn dân về đất đai là phương án hợp lý nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trả lời phóng viên.


- Nếu tiếp tục thực hiện hình thức sở hữu toàn dân về đất đai như hiện nay, chắc chắn phải có biện pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân liên quan đến đất?

- Chắc chắn phải như vậy. Như đã nói ở trên, phải làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất, khẳng định quyền sử dụng đất như quyền tài sản và được ghi nhận trong Hiến pháp. Đây là sự bảo đảm quyền lợi cho người dân về đất đai.

- Thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, là cần thiết, nhưng trong quy định tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lại có thêm cả phần dự án kinh tế - xã hội (nếu cần thiết) khiến nhiều người lo ngại có thể cưỡng chế thu hồi đất tất cả các dự án, xin ông cho ý kiến?

- Người ta nói rằng nếu để vế “thu hồi đất phát triển các dự án kinh tế - xã hội” sẽ dẫn đến mở rộng quá quyền thu hồi đất của các cơ quan nhà nước và có thể xâm phạm đến quyền sử dụng đất của người dân. Thậm chí có thể xảy ra tình trạng thu hồi đất tùy tiện ở chỗ này, chỗ khác. Tôi cho rằng, đây là những ý kiến phải ghi nhận để xem xét trong khi trình ra Quốc hội. Đây cũng là vấn đề cần cân nhắc. Quốc hội sẽ quyết định phương án lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định quyền sử dụng đất như quyền tài sản trong Hiến pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.