Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên

Bình Yên| 28/03/2013 06:10

(HNM) - Ngoài sự quản lý của cấp ủy, cán bộ, đảng viên còn chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội.



Tuy nhiên, qua đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), không ít vụ vi phạm của cán bộ, đảng viên nhưng cấp ủy không biết, chỉ đến khi người dân có ý kiến mới được đưa ra ánh sáng. Siết chặt công tác quản lý của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), phát huy vai trò giám sát cán bộ, đảng viên của các tầng lớp nhân dân nơi cư trú là giải pháp hữu hiệu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh.

Công tác lãnh đạo luôn đi đôi với kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng được thực thi nghiêm túc. Do đó, Thành ủy Hà Nội rất chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Trong hai năm 2011-2012, cấp ủy các cấp đã giám sát gần 15.000 lượt đảng viên về thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong số đó, riêng Huyện ủy Phú Xuyên đã tập trung giám sát đảng viên đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan các lĩnh vực quản lý tài chính, đất đai, xây dựng cơ bản…; phát hiện vi phạm, chuyển cơ quan chức năng khởi tố một chủ tịch UBND xã, hai trưởng thôn và xử lý kỷ luật một ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Bên cạnh đó, thông qua thực hiện quy chế "MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư", trong giai đoạn 2007-2012, các cơ quan chức năng của thành phố đã nhận được hơn 2.000 đơn, ý kiến, kiến nghị phản ánh những hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên như lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, có hành vi nhũng nhiễu... để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý. Chẳng hạn như Ủy ban MTTQ phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) đã phát hiện, kiến nghị xem xét xử lý kỷ luật với một đảng viên vi phạm nội quy xây dựng; Ủy ban MTTQ xã Đông Dư (Gia Lâm) phát hiện kiến nghị 8 vụ vi phạm về đất đai…

Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên còn nhiều bất cập. Tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Xuyên thừa nhận công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo, sơ hở dẫn tới cán bộ vi phạm pháp luật hoặc cố ý làm trái quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai xảy ra ở các xã Quang Trung, Hoàng Long, Tri Thủy. Có chi ủy đầu năm 2010 ra nghị quyết trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước, mãi đến năm 2012 có công dân tố cáo, cấp ủy cấp trên mới phát hiện, xử lý. Theo đánh giá của các quận, huyện, việc giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú của MTTQ và các đoàn thể cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn do tâm lý sợ bị trù dập, nể nang, né tránh... Do vậy, việc chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh việc khó, thậm chí có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, sẽ dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gây bức xúc trong nhân dân.

Để khắc phục bất cập này, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Đề án tăng cường công tác giám sát, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới, cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp chú trọng giám sát chuyên đề và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục bệnh nể nang, né tránh, tăng hiệu quả kiểm tra, giám sát đảng viên. Bên cạnh đó, Thành ủy đã ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, tập trung vào những lĩnh vực công tác dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận, đơn thư khiếu nại, tố cáo về hành vi tiêu cực trong cán bộ, công chức như quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý xây dựng, tài chính, đầu tư công trình dự án, hạ tầng kỹ thuật... Ngoài ra, các cấp ủy coi trọng phân công nhiệm vụ, quản lý, đổi mới công tác đánh giá phân loại cán bộ, đảng viên. Nhiều địa phương đã đổi mới công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện, thực hiện 1 năm 2 lần, căn cứ theo kết quả tín nhiệm để xem xét bố trí cán bộ cho hợp lý; đồng thời ban hành quy chế phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên phụ trách cơ sở, chịu trách nhiệm khi để cơ sở xảy ra sai phạm nhằm khắc phục tình trạng "xa dân, xa cơ sở". Mặt khác, Thành ủy coi trọng thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí và các tầng lớp nhân dân về biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên để có biện pháp xử lý. Giải pháp quan trọng nữa là chú trọng đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; nghiên cứu đề xuất với trung ương hoàn thiện cơ chế giám sát, trong đó có cơ chế bảo vệ người giám sát, người tố giác những biểu hiện tiêu cực, sai phạm của cán bộ, đảng viên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.