Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên có khoản mục về báo chí

Nguyễn Uyển| 06/04/2013 07:34

(HNM) - Ngay từ lần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (vào năm 2001), tại Hội Nhà báo Việt Nam tôi đã bày tỏ chính kiến: Cần có khoản mục về báo chí (cho dù Điều 33 có nhắc tới báo chí, phát thanh, truyền hình).

Vậy nhưng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này vẫn chưa có một khoản mục nào về lĩnh vực này, mà chỉ có bóng dáng báo chí là "tự do ngôn luận", ghi tại Chương II, Điều 26. Từ vị thế và thiên chức vốn có của báo chí, tôi kiến nghị nên có khoản mục riêng trong sửa đổi Hiến pháp lần này, vì mấy lý do sau.

Trước hết, báo chí đã thực sự là bộ phận cấu thành xã hội Việt Nam thời hội nhập và phát triển, đáp ứng hữu hiệu quyền thông tin đa dạng, nhiều chiều của mọi người. Báo chí luôn luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị, tư tưởng, là tiếng nói của Đảng, là diễn đàn của nhân dân. Sứ mệnh cao cả ấy của báo chí Việt Nam được khẳng định ngay tại Điều 1, Chương I, Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 rằng: "Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là diễn đàn của nhân dân".

Mặt khác, nhân loại tiến bộ từ rất lâu đã từng ghi nhận: Thông tin là của nả, là tài nguyên, là trí tuệ, là uy quyền của mỗi quốc gia, chứ không phải hàng hóa thông thường. Ai nắm thông tin thì người ấy nắm quyền lực điều hành đất nước. Cho nên, cũng dễ hiểu, vì sao muốn truyền bá ánh sáng cách mạng vào Việt Nam, ngay từ những năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Báo Thanh Niên (tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam), tới nay đã tròn 88 năm. Và, ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước ta đã rất chú trọng phát triển mạng lưới thông tin báo chí rộng khắp từ trung ương tới các địa phương. Ngày nay, mong muốn xã hội hiện đại, dân trí và dân chủ cao nên Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp rất coi trọng công tác thông tin báo chí, tạo điều kiện vật chất, tinh thần để báo chí hoạt động, phát triển. Như thế đủ biết, xã hội có dân trí là xã hội có thông tin báo chí phong phú, đa dạng, nhiều chiều; quyền thông tin và trách nhiệm thông tin đều được coi trọng, được đề cao như quyền tất yếu của con người…

Hiện nay, cho dù còn phải tiếp tục phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại hóa hơn nữa, thì vẫn phải ghi nhận rằng: Công nghệ và phương tiện thông tin đã có bước phát triển quan trọng để chuyển tải thông tin cho tất cả các loại hình: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng… giàu sức lan tỏa và ghi dấu ấn quan trọng với mọi đối tượng tiếp nhận thông tin. Đội ngũ làm báo đã trở thành một chính giới hữu cơ của xã hội (với gần 2 vạn nhà báo chuyên nghiệp), được đào tạo cơ bản, luôn hết lòng trong trọng trách cao cả vừa phản ánh thực tiễn, vừa góp phần cải tạo thực tiễn; vừa thông tin, vừa hướng dẫn dư luận và định hướng hành động cách mạng cho bạn đọc. Họ thực sự là đội quân tin cẩn cùng với văn hóa, văn học, nghệ thuật góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN…

Với tinh thần ấy, tôi tha thiết đề nghị với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung mấy cụm từ dưới đây, bằng cách thêm khoản 3 vào Điều 64; tách cụm từ cuối của khoản 2, Điều 64 (phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội), gộp thành khoản 3 mới. Chuyển khoản 3 và 4 đã soạn thảo thành khoản 4 và 5. Và, khoản 3 mới bổ sung sẽ như sau: "Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của đất nước, cần chú trọng phát triển đồng bộ và hiện đại công nghệ thông tin; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm báo vững về chính trị, chuyên môn, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên có khoản mục về báo chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.