Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Nền tảng là cải cách hành chính (bài 1)

Nhóm PV Nội chính| 09/04/2013 06:05

LTS: Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Liên tiếp hai nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã lựa chọn CCHC là một trong hai khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Bài 1: Bước chuyển từ tư duy chỉ đạo

LTS
: Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Liên tiếp hai nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã lựa chọn CCHC là một trong hai khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội không được cải thiện mà còn bị tụt bậc. Cụ thể, năm 2012, chỉ số PCI của Hà Nội xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố (giảm 15 bậc so với năm 2011). Luận giải điều này, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là ở bộ máy cũng như năng lực cán bộ các cơ quan hành chính của Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu; lại có ý kiến nhận xét, cách tính toán chỉ số PCI là chưa… công bằng, đánh giá của doanh nghiệp về năng lực cạnh tranh của Hà Nội là chưa chính xác khi không tính tới các yếu tố khách quan… Với loạt bài "Nâng cao năng lực cạnh tranh: Nền tảng là cải cách hành chính", Hànộimới sẽ đi sâu đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC thời gian qua; cùng những hạn chế, bất cập; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác CCHC để nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội.

Bài 1: Bước chuyển từ tư duy chỉ đạo

Liên tục những năm gần đây, thành phố Hà Nội lựa chọn công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá. Chủ trương này được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đã có sự chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, kết quả thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn. Và đặc biệt có một vấn đề cần suy nghĩ đó là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Cần nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận “một cửa” để người dân hài lòng với kết quả CCHC. Ảnh: Trần Hải


Đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính

Ngay từ nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chọn CCHC là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm và là một trong hai khâu đột phá. Kết quả nổi bật của Thủ đô trong giai đoạn này là, dù có những khó khăn do mới mở rộng địa giới hành chính, song với tinh thần “Đổi mới ngay từ nhận thức” cùng cách triển khai bài bản, nghiêm túc, Hà Nội đã hoàn thành Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) đúng tiến độ và vượt chỉ tiêu. Sau khi hoàn thành rà soát 1.816 TTHC, Hà Nội kiến nghị giữ nguyên 524 TTHC; hủy bỏ 146 TTHC; sửa đổi, bổ sung 1.101 TTHC; thay thế 45 TTHC; tỷ lệ đơn giản hóa đạt 71,2% (vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC theo yêu cầu của Thủ tướng). Điều quan trọng nhất sau khi thành phố hoàn thành giai đoạn này là đã kiến nghị giảm đáng kể về thời gian và loại bỏ được khá nhiều giấy tờ, hồ sơ, quy định, TTHC không hợp lý; đưa ra những quy định phù hợp, tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân.

Nhiệm kỳ 2011-2015, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố tiếp tục xác định CCHC là một trong hai khâu đột phá, với nội dung: “Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Cụ thể, Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung mang tính đột phá như: Tăng cường đào tạo nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp hành chính, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) làm việc tại bộ phận “một cửa”; tổ chức điều tra xã hội học về ý thức, thái độ phục vụ của CBCCVC; xây dựng, hoàn thiện và cài đặt phần mềm ứng dụng dùng chung đối với cấp huyện, cấp xã, thực hiện đề án xây dựng mô hình khung “cơ quan điện tử” nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước. Dấu ấn rõ nhất là sau một thời gian ngắn thực hiện Chương trình số 08-Ctr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức”, nhìn chung các đơn vị đã thực hiện khá nghiêm túc việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo tiền đề cho việc đạt được các mục tiêu đã đề ra (100% các sở, ban, ngành, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện áp dụng hệ thống ISO trong quản lý hành chính nhà nước theo mô hình, quy trình thống nhất; đến năm 2015, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3...). Cùng đó, việc công khai, minh bạch các TTHC và các quy trình thực hiện cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân. UBND TP đã công bố TTHC mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 175 TTHC (thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, đầu tư, đất đai, công thương…). Hiện Cổng giao tiếp điện tử của TP đã công khai 2.335 thủ tục, trong đó có 1.897 TTHC của sở, ban, ngành (gồm cả các cơ quan hiệp quản), 281 TTHC của khối quận, huyện, thị xã và 157 TTHC của khối phường, xã, thị trấn.

Kết quả điều tra xã hội học về đánh giá sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết TTHC do Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện năm 2012 cho thấy: Việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các TTHC được đánh giá cao, đạt trên 80%; về quá trình giải quyết TTHC, có 88,6% ý kiến cho rằng giải quyết TTHC đúng hẹn; 87,6% ý kiến ghi nhận khả năng tiếp nhận hồ sơ nhanh, không sai sót; về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức có tới 93% ý kiến cho rằng đã nắm vững về quy trình, nghiệp vụ.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND phường Trung Liệt (Đống Đa). Ảnh: Bảo Lâm


Trách nhiệm còn… hạn chế

Dù đã đạt những kết quả bước đầu về công tác CCHC, song có thể thấy kết quả đó chưa thực sự mang lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân. Hiện Hà Nội đã có 29/29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn; 26 sở, ban, ngành và đơn vị hiệp quản đã tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông”. Tuy nhiên, mức độ đầu tư cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ của bộ phận “một cửa” chưa đều nên nhiều người dân vẫn chưa hài lòng với kết quả CCHC. Vướng mắc chung ở nhiều đơn vị về khách quan chủ yếu là do hệ thống văn bản, cơ chế chính sách vừa nhiều vừa hay thay đổi dẫn tới sự lúng túng, khó thực hiện; vấn đề nhân lực và cơ sở vật chất chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc. Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” còn hạn chế. Có những hồ sơ hành chính lĩnh vực nhà đất đã được hoàn thiện từ cấp xã nhưng gửi lên cấp huyện cũng chậm từ vài tháng đến cả năm mới có kết quả. Việc chậm trễ trả kết quả hồ sơ hành chính phổ biến ở nhiều lĩnh vực như: tài nguyên và môi trường, xây dựng, đầu tư, lao động, thương binh và xã hội... Điều đáng nói là giữa nhiều ngành, nhiều cấp chưa xây dựng quy chế phối hợp về thực hiện “một cửa liên thông” nên khi xảy ra chậm trễ, không có căn cứ để quy trách nhiệm. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền và cơ chế một đầu mối quản lý nhà nước dẫn đến sự chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý…

Các vấn đề nêu trên đều tồn tại từ lâu, điều đó cho thấy các đơn vị chưa phát huy trách nhiệm trong việc kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cũng như chưa có sự phối hợp nhịp nhàng dẫn đến tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thực hiện năm 2012 cho thấy chỉ có 52,4% số người được hỏi đánh giá công chức là có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình khi làm việc; đáng chú ý là những người thực hiện TTHC ở cấp xã, phường được đánh giá có mức độ hài lòng cao hơn so với những người thực hiện TTHC ở cấp quận, huyện và các sở của thành phố. Như vậy rõ ràng để tạo thuận lợi cho các tổ chức và người dân phải bắt đầu từ công tác CCHC, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, tuy nhiên để tạo nên bước chuyển từ nhận thức tới hiệu quả thực tế còn rất nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực cạnh tranh: Nền tảng là cải cách hành chính (bài 1)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.