Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không làm hình thức, tránh né

Hiền Lương| 16/05/2013 06:02

(HNM) - Kiểm tra, giám sát là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, các cấp ủy đảng có thể nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất, bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tránh nguy cơ sai lầm về đường lối…



Tuy nhiên hiện nay, không ít cấp ủy đảng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát còn hình thức, thiếu quyết liệt, hiệu quả thu được thấp.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, một đảng bộ quận đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa rất chi tiết. Danh mục kiểm tra, giám sát lên đến 10 nội dung. Trên cơ sở đó, việc tổ chức kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, đúng nguyên tắc, bảo đảm số lượng, báo cáo đều đặn. Tuy nhiên, hiệu quả công tác này, nhất là tác dụng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của quận không cao. Một cán bộ cấp ủy đánh giá, dường như công tác kiểm tra, giám sát vẫn tránh né những vấn đề nổi cộm, những việc "nóng" của địa phương. Những kết luận của các cuộc kiểm tra, giám sát thiếu sức nặng, tác động thúc đẩy việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra còn ít. Nhất là khi trên địa bàn quận nảy sinh một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận liên quan đến trách nhiệm đảng viên, nhưng cán bộ kiểm tra quận ủy lại chậm vào cuộc, không kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực, khiến dư luận nhân dân nghi ngờ tính chiến đấu của cấp ủy.

Những trường hợp như trên không còn là cá biệt. Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy, qua kiểm tra một số quận, huyện, công tác kiểm tra, giám sát cũng có biểu hiện tương tự: Nội dung kiểm tra, giám sát chưa bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương và của thành phố. Do đó, các kết luận trong kiểm tra, giám sát thường không sâu sát, không giải quyết được những vấn đề nóng, những bất cập đang tồn tại… Đây cũng là khuyết điểm mà Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh từng nhắc nhở trong hội nghị toàn quốc triển khai công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2013. Theo Thường trực Ban Bí thư, các cấp ủy đảng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Theo Điều lệ Đảng, kiểm tra, giám sát trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy, cụ thể là người đứng đầu cấp ủy, do cấp ủy trực tiếp tiến hành. Nên khi công tác kiểm tra, giám sát ít tác dụng, hiệu quả thấp trước hết thuộc về trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy. Trong trường hợp này, không chỉ không làm tròn trách nhiệm, điều đáng nói là cấp ủy và người đứng đầu còn đang lãng phí một công cụ lãnh đạo hiệu quả, nếu không muốn nói là không thể thiếu, nhất là trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không làm hình thức, tránh né

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.