Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực chất

Hà Phong| 18/05/2013 06:14

(HNM) - Trong chương trình của kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII, khai mạc ngày 20-5 tới, lần đầu tiên QH triển khai lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh QH bầu và phê chuẩn.

Nhiều tháng qua, thông qua nhiều diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cùng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phản ánh tình hình khó khăn của doanh nghiệp. Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế của QH cũng có ý kiến về những tồn tại, yếu kém của các đơn vị sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, đánh giá tác động của các văn bản luật chuyên ngành đến lực lượng này để Chính phủ nghiên cứu, có những hỗ trợ cần thiết.

Cử tri quận Ba Đình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.Ảnh: Bá Hoạt


Các đề đạt tuy có khác nhau nhưng đều phản ánh những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang gặp phải. Trong bối cảnh 4 tháng đầu năm 2013, khoảng 3.000 công ty đã hoàn thành các thủ tục giải thể và 16.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, thì dấu hiệu suy giảm kinh tế đã ngày càng rõ nét. Khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra cho năm 2013 sẽ khó thực hiện. Theo khảo sát mới nhất của VCCI, mặc dù gần một năm nay, doanh nghiệp bắt đầu nhận được một số ưu đãi về chính sách do Chính phủ ban hành nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Nay, nếu tăng lương tối thiểu 40% để đáp ứng đúng theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì nhiều đơn vị sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí có khả năng phá sản, người lao động khó tránh cảnh thất nghiệp.

Vậy đâu là vấn đề cấp bách đòi hỏi Chính phủ và QH giải quyết trong kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII này? Điểm lại những khó khăn doanh nghiệp đang phải đối diện đều xuất phát từ yếu kém cố hữu của nền kinh tế, đó là chính sách tài khóa không song hành cùng chính sách tiền tệ trong việc chống lạm phát, thâm hụt thương mại lớn, hiệu quả đầu tư thấp, vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang được ví như "cục máu đông" làm tắc nghẽn kênh huy động vốn của nền kinh tế, cản trở quá trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại. Đây là những nội dung nhiều đại biểu QH chất vấn Bộ trưởng các bộ tại kỳ họp QH diễn ra cách đây 7 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Do vậy, nhiều cử tri đề nghị QH yêu cầu rõ, thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư… cần thực hiện triệt để những cam kết trước QH và nhân dân cả nước. Từ đó, cộng đồng trách nhiệm của mọi cấp, ngành và toàn xã hội, vực dậy nền kinh tế còn nhiều yếu kém hiện nay.

Cần hướng dẫn chi tiết việc bỏ phiếu tín nhiệm

Một vấn đề khác cũng được dư luận và đại biểu QH đặc biệt quan tâm trong kỳ họp QH tới là việc lần đầu tiên QH lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Trên thực tế, Luật Hoạt động giám sát của QH có hiệu lực từ năm 2003 đã có quy định trên, tuy nhiên do chưa có văn bản hướng dẫn nên 10 năm qua chưa tiến hành việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Điều này dẫn tới một số hạn chế trong các khâu của công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá, kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ. Vì thế mới có chuyện ở nơi này, nơi khác cán bộ xa dân, không vì lợi ích của dân, chỉ chăm lo đến lợi ích của cá nhân, gia đình, "lợi ích nhóm", làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Bởi vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn được kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng để hóa giải tình trạng trên. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, bố trí, sử dụng cán bộ, đồng thời giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH cho rằng, QH cần cân nhắc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cả 49 chức danh, vì có thể việc đánh giá sẽ dàn trải. Ngoài ra, người Việt Nam thường duy tình hơn duy lý, nhiều khi vì cả nể cũng có thể dẫn đến việc bỏ phiếu thiếu khách quan. Ủy ban Thường vụ QH cần sớm đưa ra những tiêu chí cụ thể để đại biểu QH đánh giá trình độ, chất lượng, hiệu quả công việc từng cán bộ chủ chốt do QH bầu và phê chuẩn một cách chính xác.

Nếu có điều kiện, QH nên tổ chức cho người được QH lấy phiếu tín nhiệm đối thoại với đại biểu QH về những việc họ đã làm được, chưa làm được. Theo đó, đại biểu QH sẽ có những thông tin chính xác hơn về người được lấy phiếu. Bởi trừ những đại biểu QH ở TƯ có nhiều điều kiện tiếp xúc với các Bộ trưởng, trưởng ngành; các đại biểu ở địa phương với khoảng cách về địa lý bị hạn chế hơn về thông tin. Khi dữ liệu về những cán bộ mà đại biểu QH bỏ phiếu không đầy đủ, việc quyết định của đại biểu có thể theo cảm tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.