Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tên nước phải phù hợp với nguyện vọng, khát vọng của nhân dân

H.Vân| 27/05/2013 15:25

(HNMO) – Sáng 27/5, ông Lê Thanh Vân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với báo giới về quan điểm đổi hay giữ nguyên tên nước trong Hiến pháp sửa đổi lần này.


Thưa ông, trong các ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gửi tới Quốc hội, có ý kiến đề nghị nên đổi tên nước về tên gọi cũ. Quan điểm của ông như thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng nhất của hiến pháp sửa đổi lần này là phải phản ánh được bản chất của đổi mới, làm sao bằng việc sửa đổi hiến pháp lần này, chúng ta tạo ra được rường cột pháp lý căn bản để thúc đẩy các quan hệ xã hội, các lĩnh vực đời sống phát triển, đấy mới là quan trọng.

Theo tôi, tên nước như hiện giờ là hợp lý, vì đã đi vào tiềm thức của nhân dân và ta đã lấy tên này để thực hiện quan hệ đối ngoại, cũng chưa có nước nào vì tên gọi này mà không thiết lập quan hệ với chúng ta, và cũng không vì tên gọi này mà ta lép vế trong quan hệ đối ngoại, ngược lại, những năm gần đây, vị thế của nước ta ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế. Ý kiến lấy lại tên nước cũ để thuận lợi hơn cho quan hệ đối ngoại là không đúng.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ảnh: VNN


Điều tôi quan tâm là những chế định hiến pháp phải đảm bảo mở lối cho những quan hệ kinh tế, xã hội phát triển. Ta đã thực hiện hiến pháp hơn 20 năm, giờ phải tổng kết, nâng niu những giá trị, những trải nghiệm thực tiễn, xem những gì không còn phù hợp với xu thế tiến bộ và đường lối lãnh đạo của Đảng thì sửa và phải đảm bảo tính ổn định lâu dài. Ta phải có tư duy, tầm nhìn để các quy định của hiến pháp lần này tối thiểu phải có đời sống 20 năm, chứ không nên nhìn vào sự cần thiết phải xoay chuyển những vấn đề nhỏ, hay những bước đi ngắn trong 5-7 năm để ghi vào hiến pháp.

Nhìn vào kinh nghiệm đặt tên nước trong lịch sử và thế giới, theo ông, tên nước hiện nay của ta có phù hợp và tiến bộ không?

Nhiều quốc gia đặt tên nước rất đẹp. Lịch sử nước ta thời phong kiến, có nhiều đời vua chúa cũng đặt tên nước rất đẹp, như đời Hồ đặt tên nước là Đại Ngu, với nghĩa là cực kỳ tốt tươi, tốt đẹp; thời tiền Lý đặt tên nước là Vạn Xuân với khát vọng đất nước bền vững muôn đời; đời vua Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt với ý là nước lớn mạnh… Vậy khát vọng của chúng ta khi đặt quốc hiệu là gì? Phải chăng đó là mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa - một lý tưởng tốt đẹp? Có thể mục tiêu đó chúng ta chưa đạt được nhưng đó là cái ngưỡng, cái đích để ta hướng tới, phù hợp với thông lệ thể hiện khát vọng của con người sống trên đất nước đó. Đó là phương thức để thực hiện mục tiêu lâu dài chứ không phải nhìn vào thực tại chúng ta chưa đạt được để loại bỏ nó, như vậy không thuyết phục.

Nếu đặt vấn đề thay đổi tên nước thì riêng chi phí để thay đổi tên gọi trong các văn bản pháp luật, giấy tờ thủ tục hành chính đã vô cùng tốn kém. Nhưng mục đích đổi tên lại không làm thay đổi được cuộc sống của nhân dân, sự phát triển của đất nước thì đổi để làm gì? Thà chúng ta cứ giữ nguyên, phù hợp với nguyện vọng, khát vọng của nhân dân, với mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp và quan trọng là tìm các giải pháp thích hợp nhất để tạo lập quyền của nhân dân được bảo đảm hơn, các quan hệ kinh tế phát triển bền vững hơn, các quan hệ xã hội tốt đẹp hơn, như vậy sẽ thực chất hơn.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tên nước phải phù hợp với nguyện vọng, khát vọng của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.