Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển từ nhận thức tới hành động

Hiền Chi| 01/07/2013 05:47

(HNM) - Là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, thành phố Hà Nội có nhiều thuận lợi và cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Song, có thể thấy đến thời điểm này, Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cả tâm và lực nhằm nâng cao thái độ, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của bộ máy công quyền. Đó chính là điều thiết thực để thực thi trách nhiệm: "Xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước" được nêu trong Luật Thủ đô.

Phát huy tiềm lực

Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn coi cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và công tác cán bộ là khâu đột phá. Nhờ đó, Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trong công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Việc bố trí bộ phận "một cửa" đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn thành phố. Các đơn vị đã quan tâm đầu tư trang thiết bị cho bộ phận "một cửa", thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các quy định, quy trình thực hiện thủ tục, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Tính riêng năm 2013, Hà Nội đã có kế hoạch tập trung rà soát 38 nhóm TTHC gắn với việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. UBND thành phố đã ban hành Quyết định công bố TTHC mới trong đó đã sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ nhiều nội dung trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã và các sở, ngành. Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã cho thấy nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại. Với mục đích ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, Hà Nội đã tập trung đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT, nâng cấp, xây dựng mới trang thông tin điện tử cho các đơn vị. Hiện nay, thành phố đã thực hiện giao ban trực tuyến với các đơn vị; 100% sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng máy tính nội bộ (mạng LAN); 15/20 sở, ngành và 29/29 UBND quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm "một cửa điện tử"; 100% sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã được triển khai chữ ký số để gửi và nhận văn bản giữa UBND thành phố và giữa các cơ quan nhà nước của Hà Nội. Đến nay, thành phố đã không còn địa bàn "trắng" CNTT, các phần mềm ứng dụng dùng chung bước đầu phát huy tác dụng có hiệu quả, tạo nền móng cho giai đoạn xây dựng "cơ quan điện tử" và tiến tới "chính quyền điện tử Thủ đô" giai đoạn 2011-2015.


Nâng cao chất lượng phục vụ

Luật Thủ đô với những cơ chế đặc thù ở nhiều lĩnh vực (quy hoạch không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng Thủ đô; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường; quản lý đất đai; phát triển và quản lý nhà ở; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; phát triển, quản lý giao thông vận tải…) là thuận lợi và cũng là thách thức. Để thực hiện hiệu quả thì song song với các quy định đặt ra là tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Ý thức rõ điều đó, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã chủ động có những cách làm sáng tạo. Tiêu biểu như Văn phòng UBND thành phố đã xây dựng quy trình tiếp nhận theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" đối với 200 TTHC. Đặc biệt, Hà Nội đã tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những cách làm mới là tuyển dụng, đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2014.

Chuyển biến rõ nhất là chỉ sau vài tháng triển khai, thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013", nhiều đơn vị đã có bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết các TTHC và giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc cũng được Hà Nội đặc biệt coi trọng. Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành và chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc công bố công khai các số điện thoại, đường dây nóng, hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị để tiếp nhận góp ý về quy trình, TTHC, các thông tin, phản ánh của cá nhân, tổ chức về tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với việc chỉ đạo, triển khai các kế hoạch, thành phố còn tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực thi của các đơn vị.

Với cách triển khai bài bản, quyết liệt nhằm thay đổi từ nhận thức đến hành động, các cơ quan công quyền của Hà Nội đang nỗ lực góp sức để Thủ đô phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển từ nhận thức tới hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.