Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã đến lúc phải may cho ngành nông nghiệp "áo mới"

Vân An| 20/11/2013 08:59

(HNMO) – Sáng nay 20/11, Quốc hội tiếp tục với phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Những vấn đề liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu cho nông sản để nâng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước... tiếp tục được các đại biểu đặt câu hỏi.

... tiếp tục được các đại biểu đặt câu hỏi.

Những vấn đề trên được đề cập đến trong các câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Thị Khá, Trịnh Thế Khiết, Võ Thị Dung, Đồng Hữu Mạo, Nguyễn Văn Tiên.

Trước khi đi vào trả lời những ý kiến sáng nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời làm rõ thêm một số thông tin, số liệu tại phiên chất vấn hôm qua liên quan đến các hồ chứa thủy lợi. Bộ trưởng cho biết, theo tổng hợp, hiện có 1.200 hồ cần sửa chữa nhưng không có nghĩa là các hồ này có nguy cơ vỡ.

“Đây là các hồ thủy lợi, không phải thủy điện và hầu hết là hồ nhỏ dưới 200.000m3, được xây dựng từ cách đây 30-40 năm nên Bộ xét thấy trong điều kiện biến đổi khí hậu thì cần phải được gia cố. Còn 317 hồ thực sự đang có vấn đề về sạt lở, rò rỉ, trong đó có 120 hồ xung yếu thì đã được bố trí vốn để khắc phục”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát


Trả lời vấn đề về thời điểm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn chính sách hỗ trợ thực hành nông nghiệp tốt cho những sản phẩm đủ điều kiện, Bộ trưởng cho biết, thông tư này đã được hoàn chỉnh, hiện đang trong giai đoạn luân chuyển để ký ban hành.

Về vệc nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, tạo ra giá trị cao hơn trong xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết, điều kiện sản xuất lúa gạo ở mỗi nước khác nhau nhưng con đường mà ngành lúa gạo Việt Nam phải đi theo là: chọn, tạo, sử dụng những giống có chất lượng và giá trị thương phẩm cao hơn. Vì vậy, Bộ đã chỉ đạo điều chỉnh lại các chương trình nghiên cứu chọn, tạo giống lúa, sớm có những giống chất lượng cao như mong đợi, có giá trị thương phẩm cao đạt từ trên 500 USD, trên 800 USD trở lên và đảm bảo trồng ổn định lâu dài

Về định hướng phát triển nông nghiệp cho vùng bão lũ miền trung, đặc biệt là việc có tiếp tục chọn trồng cây cao su hay không, Bộ trưởng cho biết, cơn bão số 10 vừa qua đã đặt ra vấn đề về việc trồng cây cao su ở miền Trung nhưng cây cao su vẫn là cây trồng phù hợp với vùng này và trong điều kiện biến đổi khí hậu, phải rà soát lại khâu quy hoạch trồng trọt nhưng không có nghĩa là phải bỏ cây cao su.

“Chúng ta vẫn nên tiếp tục trồng cây cao su, trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, chúng tôi sẽ bàn cụ thể với địa phương về việc này”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến việc nông dân bỏ đất nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này chủ yếu do hiệu quả trồng trọt chứ không phải do chính sách đất đai. Việc nông dân bỏ ruộng không gieo trồng và trả ruộng là hai khái niệm khác nhau. Theo thống kê, có gần 43.000 hộ không gieo trồng trên diện tích 6880 ha và 3400 hộ trả 433ha.

“Việc nông dân không gieo trồng có nhiều lý do, nhưng cũng có lý do về tự nhiên là việc gieo trồng không có lợi; thiếu lao động hoặc lao động đi làm việc khác thì có lợi hơn. Còn nông dân trả ruộng thì có lý do là một số địa phương tính theo đầu sào để thu mức đóng góp làm các công trình địa phương. Tôi đề nghị các địa phương cần chấn chỉnh việc thu và sử dụng phí đóng góp của nhân dân cho đúng với các quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng tham gia làm rõ thêm nội dung về tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông dân, nông thôn. Theo Thống đốc, thời gian qua, tín dụng cho lĩnh vực này tăng trưởng rất nhanh, trong 5 năm dư nợ tín dụng đã tăng 2,2 lần và chiếm tới 22% dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế, tương đương với mức đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thống đốc Ngân hàng cũng thừa nhận, nếu nhìn khái quát, hoạt động sản xuất nông nghiệp có chững lại và ở một số lĩnh vực có phần giảm sút. Tuy nhiên, theo Thống đốc, hiện tượng này cần được nhìn ở 2 góc độ: nếu nhìn cả chặng đường đổi mới thì ngành nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình; bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, “chiếc áo” đã may cho ngành nông nghiệp 30 năm qua đã chật, cần những chính sách mới giúp ngành nông nghiệp phát triển lên một tầm cao mới. Hiện chúng ta đang đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quocs hội cũng đã thông qua luật hợp tác xã mới…. Đây là những tiền đề để cải cách mạnh mẽ ngành nông nghiệp trong thời gian tới, tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu giữa nông dân và công nhân trên phạm vi toàn quốc, biến chương trình phát triển quốc gia về nông thôn mới thành hiện thực.

“Nhiệm vụ ăn no, mặc ấm đã hoàn thành, đã đến lúc chúng ta phải giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình. Ngành ngân hàng đang sửa đổi các chính sách để tạo ra việc này”, Thống đốc nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình



Dứt phần trả lời của Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nhận xét, phần trả lời của Thống đốc là “chưa thỏa mãn”. Chủ tịch “hỏi thêm” về việc chúng ta đang xây nhà chống lũ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng một số sản phẩm quốc gia… thì Ngân hàng có hỗ trợ gì không?

Thống đốc cho biết, về việc thu mua tạm trữ lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp đầy đủ tài chính. Về xây dựng sản phẩm chủ lực trong hoạt động nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng cũng đã cấp lượng vốn lớn và đến nay, dư nợ tín dụng cho việc này vào khoảng 25.000 tỷ đồng và Ngân hàng cũng đã giúp các DN liên quan cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, còn những việc ngoài thẩm quyền thì đã kiến nghị với Thủ tướng, các bộ ngành liên quan phối hợp giải quyết.

Cây cà phê cũng được cung cấp đủ vốn, khi giá giảm mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất tạm trữ cây cà phê và đã cung cấp đủ vốn cho tạm trữ, đồng thời chủ động dành 1 gói hỗ trợ trị giá 12.000 tỷ đồng để xúc tiến việc tái canh cây cà phê. Tuy nhiên, vốn chỉ là một yếu tố, việc chọn giống, tiến hành quy hoạch là rất quan trọng. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp xử lý việc này.

Về việc hỗ trợ cho người nghèo vay, Thống đốc cho biết, đến nay, hệ thống ngân hàng đã cho người nghèo vay 118.000 tỷ đồng và trung bình mỗi năm dư nợ tín dụng cho người nghèo vay đều tăng 7-10%. Ngân hàng Nhà nước đang trình chính phủ giúp nông dân đã thoát nghèo thoát nghèo bền vững. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn có cơ chế tín dụng để thời gian tới tạo ra sự liên kết giữa các nhà, các hộ nông dân trong các doanh nghiệp, hợp tác xã mới, có cơ chế bảo lãnh cho ngành nông nghiệp, đưa lĩnh vực áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vào diện ưu đãi vay vốn; sửa đổi chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch…

“Tất nhiên, còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin tưởng với sự tích cực của bản thân và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, người dân thì sẽ tạo ra sự đổi mới”, Thống đốc Ngân hàng nói.

Tiếp lời Thống đốc Ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Ngành ngân hàng đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện cho nông nghiệp, nông thôn. Vừa rồi có vụ đi tìm mộ liệt sĩ liên quan đến Ngân hàng chính sách xã hội hơi phản cảm nhưng đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Việc Thống đốc cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn hứa để giải quyết cho nông dân, nông thôn là rất tốt”.

Phần tham gia trả lời thêm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khép lại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Cao Đức Phát trước Quốc hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc phải may cho ngành nông nghiệp "áo mới"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.