Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Theo Kim Thanh| 22/09/2014 15:42

Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 31 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong sáng nay, các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp (Ảnh: TTXVN)


Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8: Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi).... Đặc biệt, UBTVQH sẽ dành cả ngày 29/9 để chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Cần làm rõ nội dung lấy ý kiến nhân dân


Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình dự án bộ Luật tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự lần này được xác định là cơ bản và toàn diện. Theo đó, Dự thảo Bộ luật có tổng số 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều so với Bộ luật hiện hành.

Thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự và tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật. Theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật, dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 3 kỳ họp Quốc hội và 1 lần lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, ngay tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này đối với những vấn đề chung có tính chất nguyên tắc, làm cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để công bố lấy ý kiến nhân dân.

Tại Phiên họp, nhấn mạnh rằng, đây là bộ Luật gốc, có tầm quan trọng đối với toàn xã hội, chỉ sau Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu UBTVQH thảo luận kỹ, cân nhắc toàn diện vấn đề. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Ủy ban Pháp luật cần làm rõ sẽ lấy ý kiến dân về vấn đề gì, chứ không thể đưa cả Bộ Luật ra lấy ý kiến.

Cho ý kiến về dự án Bộ luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện dành phần lớn thời gian góp ý vào một trong những vấn đề mới được dự án Bộ Luật bổ sung là, quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì Tòa án nhân dân không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp chưa có điều luật thì Tòa án cần áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân.

Theo ông, quy định như trên không phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh quan điểm, Tòa án và các cơ quan khác bao giờ cũng giải quyết theo Hiến pháp, do vậy phải tôn trọng nguyên tắc “giải quyết bất kỳ sự việc gì phải theo pháp luật”. Còn những vấn đề gì mà dân khiếu kiện chưa có quy định thì các cơ quan phải có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung vào luật.

Trái với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lại cho rằng: Quy định như dự thảo là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án được quy định tại khoản 3, Điều 102 Hiến pháp, theo đó “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần thiết kế điều này cụ thể hơn trong trường hợp chưa có điều luật thì tòa án cần áp dụng quy định như thế nào để xử lý.

Băn khoăn về quy định hình thức sở hữu

Một nội dung khác của dự án Bộ luật cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên UBTVQH là về hình thức sở hữu. Dự thảo quy định hai hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, cơ quan này tán thành, cần sửa đổi quy định về phân loại hình thức sở hữu, bởi vì, việc quy định hình thức sở hữu theo cách liệt kê như Bộ luật Dân sự hiện hành không bảo đảm tính ổn định do các chủ thể này luôn thay đổi, biến động theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc phân loại hình thức sở hữu theo cách nào, có bao nhiêu hình thức sở hữu, thì hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chỉ quy định hai hình thức sở hữu như dự thảo là không hợp lý. Loại ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo. Ngoài ra, còn có một số ý kiến đề nghị giữ quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành vì đã sử dụng ổn định trong nhiều năm qua.

Bày tỏ quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng: Dự án Bộ luật chỉ đưa ra hai hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung là đơn giản. Theo ông, ngoài quy định sở hữu chung và riêng thì Bộ luật Dân sự cần quy định cả sở hữu toàn dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, cứ 10 năm bộ Luật này được sửa đổi một lần và đây là lần thứ 3 sửa đổi. Quan tâm tới việc xác định quan điểm và tầm nhìn cho Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Cần thiết phải lấy ý kiến nhân dân để đảm bảo cho Bộ Luật có sức sống dài hơn; đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khi sửa đổi 297 điều trong Bộ luật Dân sự hiện hành thì có bao nhiêu luật khác phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp Luật này?

Về các hình thức sở hữu, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng: Chỉ quy định hai hình thức sở hữu như dự thảo là không hợp lý, không thể hiện đầy đủ tính chất “nhiều hình thức sở hữu” của nền kinh tế Việt Nam, không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong Hiến pháp...

Cũng tại Phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH đã thảo luận về việc dự thảo đã sử dụng một số thuật ngữ mới. Cụ thể, theo cơ quan soạn thảo, nội dung Phần thứ hai của Bộ luật Dân sự “Tài sản và quyền sở hữu” cần được đổi tên gọi mới là “Vật quyền”; tên gọi và nội dung Phần thứ ba của Bộ luật Dân sự “Nghĩa vụ và hợp đồng” cần được đổi thành tên gọi mới là “Trái quyền”.

Tuy nhiên, các ý kiến tại Phiên họp cho rằng: Bộ luật Dân sự (sửa đổi) không nên sử dụng các thuật ngữ “Vật quyền” và “Trái quyền”. Bởi các khái niệm “Tài sản và quyền sở hữu”, “Nghĩa vụ và hợp đồng” đã được sử dụng gần 20 năm nay, có tính phổ biến cao trong nhận thức của xã hội. Đồng thời, việc thay thuật ngữ “Tài sản và quyền sở hữu” thành “Vật quyền”, “Nghĩa vụ và hợp đồng” thành “Trái quyền” vốn là các thuật ngữ khó hiểu, trừu tượng, có thể gây khó khăn cho nhận thức và áp dụng pháp luật...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.