Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao quyền lợi người lao động

Việt Nga| 24/10/2014 06:44

(HNM) - Ngày 23-10, Quốc hội (QH) họp tại hội trường thảo luận về những ý kiến còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Hai vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm kiến nghị là cần bổ sung mở rộng đối tượng đóng BHXH theo mùa vụ từ 1 đến dưới 3 tháng nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động và những quy định liên quan đến chế độ hưu trí.

Lao động mùa vụ bắt buộc phải đóng BHXH

Tại điểm b, khoản 1, Điều 2 dự thảo luật quy định: Đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc. Tại kỳ họp thứ bảy, quy định này được nhiều ĐB ủng hộ, nhưng vẫn còn có những ý kiến băn khoăn về tính khả thi. Song, tại phiên thảo luận này, hầu hết ý kiến tán đồng với quy định này.

Hồ Thị Thủy (Đoàn Vĩnh Phúc).


Ý kiến của các ĐB: Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi), Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình), Hồ Thị Thủy (Đoàn Vĩnh Phúc), Triệu Thị Thu Phương (Đoàn Bắc Kạn), Hồ Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) đều khẳng định việc cần thiết phải mở rộng cho đối tượng lao động này được tham gia đóng BHXH. Cụ thể, theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp (DN) nếu thuê người lao động có thời hạn dưới 3 tháng không cần ký hợp đồng văn bản và cũng không phải đóng BHXH (ước tính hiện có khoảng 9,4 triệu lao động mùa vụ). Điều này khiến nhiều DN trốn đóng BHXH cho người lao động bằng cách chỉ xác lập giao kèo thuê trong ngắn hạn. Do vậy, để tránh hiện tượng DN trốn đóng BHXH cho người lao động bằng các hợp đồng mùa vụ, dưới 3 tháng, các ĐB đề nghị phải luật hóa việc xác lập hợp đồng bằng văn bản khi thuê lao động có thời hạn dưới 3 tháng. Đồng thời, phải bảo đảm sau 1-3 tháng, nếu DN tiếp tục ký hợp đồng với người lao động thì phải đóng BHXH, như vậy mới bảo đảm nguyên tắc BHXH cho mọi người lao động.

Có nên giao thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH?

Trong báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ QH ủng hộ đề xuất này và lý giải, BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm đối với trụ cột an sinh xã hội chủ yếu, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính. Do vậy, việc bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH do BHXH quản lý sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức BHXH, khắc phục những tồn tại hiện nay (như tình trạng nợ, chây ỳ BHXH). Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật quy định giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH (khoản 3 Điều 13) và bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho tổng giám đốc BHXH Việt Nam, giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh và trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH (khoản 2 Điều 121).

Tại phiên thảo luận hội trường các ĐB Cù Thị Hậu (Đoàn Hải Dương), Mã Đình Cư (Đoàn Quảng Ngãi)… tán đồng việc giao chức năng thanh tra đóng BHXH cho BHXH Việt Nam quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cho rằng, nếu áp dụng quy định giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH sẽ khiến cơ quan BHXH "chả giống ai" mà còn vi phạm quy định pháp luật vì BHXH Việt Nam không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Đáng chú ý, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), nếu quy định này được áp dụng sẽ vô hình biến cơ quan BHXH thành một tổ chức không giống tổ chức nào trong Chính phủ. Quy định như vậy chưa sát với hoạt động thanh tra và thực tiễn, đó là chưa kể tách việc đóng BHXH thuộc thẩm quyền của thanh tra BHXH ra khỏi nội hàm chính sách BHXH thuộc thẩm quyền của thanh tra lao động, thương binh và xã hội là không đúng và không nên làm…

Cần bình đẳng về thời gian đóng BHXH

Thảo luận về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng tháng (tại Điều 56), các ĐB Cù Thị Hậu (Đoàn Hải Dương), Nguyễn Thanh Hòa (Đoàn Bắc Ninh) bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án 1, vì đã bảo đảm được quyền lợi cơ bản cho người lao động nghỉ chế độ hưu trí và tạo được sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Do vậy, các ĐB kiến nghị Ban soạn thảo nên lựa chọn phương án 1: Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ năm 2018 đến năm 2022). Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ QH khi cho rằng, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này.

Cũng liên quan đến mức lương đóng BHXH hằng tháng, ĐB Trần Thanh Hải (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị xem xét tính đặc thù của nhóm đối tượng người lao động là công nhân. Cụ thể, trong tổng số 11 triệu người đang tham gia BHXH, công nhân là đối tượng chủ yếu đòi hỏi chính sách BHXH cho nhóm này phải bảo đảm khi nghỉ hưu họ có mức lương hưu bằng mức sống tối thiểu của người dân. Do đó, dự luật nên cân nhắc mức lương làm cơ sở đóng BHXH căn cứ trên mức lương thực tế của người lao động, chứ không phải là mức lương ghi trên hợp đồng. Bởi, hiện nay, các DN thường lách luật bằng cách chỉ ghi mức lương tối thiểu trên hợp đồng, thấp hơn nhiều so với thực tế, vừa làm thất thu tiền đóng BHXH và gây thiệt hại cho chính người lao động khi nghỉ hưu.

ĐB Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam): Về quy định bắt buộc đóng BHXH với lao động mùa vụ, tôi cho rằng Ban soạn thảo nên lưu ý phần đông lao động có hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng gặp nhiều khó khăn, công việc bấp bênh, khi phải đóng BHXH một phần sẽ rất khó khăn. Do vậy, Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ khi quy định đối tượng này phải đóng BHXH bắt buộc.

ĐB Phạm Thị Hải (Đoàn Đồng Nai): Việc tồn tại tình trạng chây ỳ, nợ BHXH theo tôi là do chúng ta chưa có các mức xử lý vi phạm nghiêm, chưa đủ sức răn đe… Và, nếu chỉ vì như vậy mà giao chức năng thanh tra đóng BHXH cho BHXH quản lý sẽ không đúng quy định.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao quyền lợi người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.