Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn từ nhiều phía

Hải Hà| 01/11/2014 06:32

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, số vụ việc yêu cầu đòi bồi thường trong cả nước có dấu hiệu tăng so với năm 2013, trong đó nhiều vụ đã được cơ quan chức năng giải quyết, bồi thường cho người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn cho thấy không ít đơn vị do chưa thực sự hiểu đúng tinh thần các quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) nên có tình trạng dè dặt tuyên truyền phổ biến luật đến người dân.

Như muối bỏ biển

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, từ đầu năm đến nay, cả nước đã thụ lý 94 vụ yêu cầu đòi bồi thường, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Đến nay, đã giải quyết xong 53/94 vụ việc, với số tiền bồi thường là hơn 8,7 tỷ đồng. Do quy định hiện hành còn nhiều thủ tục nên số tiền công chức hoàn trả Nhà nước đã trích, bồi thường cho tổ chức, người dân do việc công chức làm sai vẫn rất khiêm tốn, chỉ vẻn vẹn 504 triệu đồng.

Với vụ việc cụ thể là án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) dư luận hiện nay rất quan tâm, đang nằm trong số hồ sơ được nghiên cứu, giải quyết bồi thường. Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, về nguyên tắc, nếu cán bộ tố tụng được xác định cố ý gây oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn thì phải thanh toán toàn bộ số tiền Nhà nước trả bồi thường cho người bị kết án oan này. Với lỗi vô ý thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Vì trong lĩnh vực tố tụng hình sự, chỉ người bị xác định mắc lỗi cố ý gây ra bản án trái luật hay cố ý làm sai lệch hồ sơ mới phải bồi thường toàn bộ. Nhà nước chi trả tiền bồi thường cho lỗi "vô ý".

Việc xử lý bồi thường thiệt hại do việc kết tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn, trách nhiệm chính thuộc về TAND Tối cao. Nhưng việc thực hiện không đơn giản vì khâu điều

tra nguyên thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm, chủ tọa phiên phúc thẩm cuối cùng kết tội ông Chấn, bị cáo buộc có hành vi thiếu trách nhiệm chưa kết thúc. Trong trường hợp ngoài ông Chiêm còn có nhiều người liên quan đến vụ án, căn cứ đánh giá sai phạm của từng người, mức tiền bồi thường còn phải phân chia cụ thể.

Không chỉ trong lĩnh vực tố tụng hình sự việc giải quyết bồi thường thường tốn nhiều thời gian, công sức, trong các lĩnh vực khác như quản lý hành chính và thi hành án dân sự cũng đã bắt đầu phát sinh nhiều vụ việc yêu cầu bồi thường phức tạp, kéo dài. Song so với hàng nghìn vụ việc khiếu nại tố cáo liên quan đến quản lý hành chính và thi hành án dân sự cơ quan có thẩm quyền giải quyết mỗi năm, trong đó khiếu nại, tố cáo đúng một phần chiếm 30-50%, thì số đơn yêu cầu bồi thường chỉ như muối bỏ biển. Nguyên nhân lớn nhất là nhận thức pháp luật của người dân chưa đầy đủ. Thậm chí nhiều người dân còn chưa biết đến có Luật TNBTCNN để thực hiện quyền của mình.

Tuyên truyền thiếu trọng điểm

Trưởng phòng Nghiệp vụ giải quyết bồi thường - Cục Bồi thường nhà nước Lê Thái Phương nhận định, hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN chủ yếu mới chỉ thực hiện đến các đối tượng là cán bộ, công chức. Thậm chí, một số địa phương còn có tâm lý e ngại và cho rằng nếu tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN đến người dân sẽ làm phát sinh nhiều khiếu kiện yêu cầu bồi thường nên tránh hoặc làm mang tính hình thức. Bộ Tư pháp từng kiểm tra rất nhiều địa phương, có cơ quan được kiểm tra thừa nhận dù không có văn bản nào giao cho họ nhiệm vụ không được tập huấn nhưng họ lại nhận được quán triệt bằng miệng hạn chế tổ chức phổ biến tuyên truyền Luật TNBTCNN.

Không chỉ dè dặt trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN, nhiều cơ quan do chưa thực sự hiểu đúng tinh thần của luật nên đã chậm trễ hoặc từ chối thụ lý yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. Một trong những nội dung đang gây nhiều cách hiểu máy móc, đó là căn cứ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Theo quy định, căn cứ là phải có một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Trong khi trên thực tế, với cách hành văn của Việt Nam, có những văn bản chỉ nói chung chung hành vi của người thi hành công vụ là "không phù hợp với quy định của pháp luật" mà không thể hiện rõ là "trái pháp luật" hay "không trái pháp luật" nên khó khăn trong giải quyết. Nếu không tháo gỡ vướng mắc trên, việc đòi bồi thường sẽ tiếp tục rơi vào lối mòn, vừa ít, vừa khó vừa không được khích lệ.

Ngoài vấn đề nêu trên, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, quy định trong hoạt động tố tụng hình sự, lỗi vô ý không phải hoàn trả là bất hợp lý, tạo đặc quyền cho cơ quan tiến hành tố tụng, tạo kẽ hở bao che cho công chức làm sai. Theo luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn Luật sư Hà Nội, so sánh lỗi vô ý trong lĩnh vực tố tụng hình sự với lĩnh vực giao thông càng thấy sự khập khiễng. Ví dụ, rất nhiều trường hợp việc gây ra tai nạn giao thông là lỗi vô ý nhưng người điều khiển phương tiện vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là bồi thường cho người thiệt hại. Vì thế, đã làm sai phải bồi thường, luật không nên quy định một số lỗi vô ý không phải chịu trách nhiệm hoàn trả mà công chức gây thiệt hại, oan sai phải bồi thường tùy theo mức độ sai phạm của mình. Có như vậy mới nâng cao được tinh thần trách nhiệm đối với người thi hành công vụ, tránh lạm quyền, giảm được nhiều vụ án oan sai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.