Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để chế định mở về quản lý vốn nhà nước trong DN nhà nước

H.Vân| 11/11/2014 10:26

(HNMO) – Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.


Đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án luật cũng như tên gọi, nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Các đại biểu cũng ủng hộ việc thông qua dự luật ngay tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn kiến nghị đổi tên của dự luật này thành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời, làm rõ hơn nữa khái niệm về vốn nhà nước, vốn huy động doanh nghiệp.

Theo đại biểu Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh, hiện chúng ta đang có thói quen dùng khái niệm vốn chung cho cả vốn đi vay và vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, huy động vốn thực chất là huy động nợ, sự không rõ ràng giữa vốn và nợ đã dẫn tới sự nhập nhèm.

“Đi vay mà nói là vốn thì sẽ dễ quên trả”, đại biểu Lịch nói. Đại biểu Lịch cũng băn khoăn về việc dự luật này được xây dựng mà chưa định hình mô hình quản lý trong tương lai.

“Trong luật này Quốc hội giao hết quyền quyết định cho Chính phủ, Quốc hội hoàn toàn đứng ngoài, chỉ còn giữ chức năng giám sát. Tôi đánh giá cao vai trò của DN nhà nước trong thực hiện 4 chức năng đã được quy định, nhưng muốn thực hiện tốt các chức năng này, hoạt động của DN phải gắn với kế hoạch, định hướng phát triển KTXH của Quốc hội. Do đó, luật nên có chế định mở để trong tương lai, Quốc hội sẽ quyết định hoạt động của một số tập đoàn lớn, chứ không thụ động như hiện nay”, đại biểu Lịch đề nghị.


Đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam cũng nhận xét, dự luật chưa quy định rõ mô hình quản lý vốn nhà nước. Chủ trương của Việt Nam là tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sản xuất kinh doanh tại các DN nhà nước, nhưng luật này chưa chế định được, nên sẽ không thể giải quyết được vướng mắc lớn nhất hiện nay.

Theo đại biểu Đinh Văn Nhã – Phú Yên, một số quy định trong dự luật chưa chặt, có thể dẫn tới thất thoát như quy định về việc dùng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài, quy định về huy động vốn... Đại biểu Nhã cho rằng, việc cho phép DN huy động vốn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu là cao, chỉ nên gấp 2 lần, như vậy không tạo ra áp lực lớn với ngân hàng khi cho DN vay dài hạn, đồng thời buộc DN có thói quen tích cực đi vay trên thị trường vốn chứ không chỉ tập trung vào nguồn tín dụng.

Các đại biểu Trần Xuân Hòa – Quảng Ninh, Đỗ Văn Đương – Tp Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung thêm 2 hình thức đầu tư vốn nhà nước vào DN là: đầu tư vốn nhà nước để góp vốn thành lập DN khác, đầu tư vốn nhà nước để hỗ trợ các DN đầu tư kinh doanh ra nước ngoài; định lượng hoặc có tiêu chí căn bản để xác định những ngành, lĩnh vực thiết yếu, độc quyền mà nhà nước đầu tư 100%. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để chế định mở về quản lý vốn nhà nước trong DN nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.