Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua 5 dự án luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

Việt Nga| 27/11/2014 06:35

(HNM) - Ngày 26-11, Quốc hội (QH) tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận và thông qua các dự thảo luật quan trọng, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến doanh nghiệp (DN). Đầu giờ sáng, QH đã lần lượt thông qua hai dự án Luật DN (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, Luật DN (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này có những điểm quan trọng. Về con dấu của DN (Điều 44) được sửa theo quan điểm, DN có quyền tự quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, DN có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. Về khái niệm DN nhà nước được định nghĩa là DN do Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ. Việc quy định như vậy để tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa DN nhà nước và tăng hiệu quả kinh tế sau cổ phần hóa.

Về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất với các bộ, ngành hữu quan thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Cụ thể, gồm: các chất ma túy được quy định; các loại hóa chất, khoáng vật, mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp được quy định; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên được quy định; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được thu hẹp so với dự thảo luật trước đó từ 272 xuống còn 267, sau khi một số ngành, nghề trùng lắp được gộp lại hoặc bổ sung.

Tiếp đó, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) sửa đổi, tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính. Các ý kiến phát biểu đều nhất trí sự cần thiết phải ban hành luật để sửa đổi Luật KTNN nhằm cụ thể hóa Điều 118 của Hiến pháp. Luật cần làm rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của KTNN với tư cách là một cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Các ĐB cũng đề xuất một số vấn đề để Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa. Đó là mục đích, đối tượng của KTNN; các đơn vị được kiểm toán, giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; xử lý các hệ quả liên quan đến báo cáo kiểm toán và việc sử dụng các báo cáo kiểm toán của cơ quan nhà nước; áp dụng các điều ước quốc tế; các hành vi bị cấm cũng như tiêu chuẩn của lãnh đạo kiểm toán; nhiệm kỳ của Tổng KTNN có cần thiết theo QH hay dài hơn nhiệm kỳ của QH. ĐBQH cũng nhấn mạnh về những quy định nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan QH, đoàn ĐBQH…

* Buổi chiều, QH đã lần lượt thông qua 3 dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế. Về Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong đó có quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý DN. Việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm DN sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua 5 dự án luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.