Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

31/01/2015 06:15

(HNM) - Sáng 30-1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp thứ 18, thảo luận cho ý kiến về: Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự; Báo cáo những nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự;

Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. (Ảnh: TH)



Trình bày báo cáo về một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, đại diện Bộ Tư pháp cho biết: Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có hai vấn đề lớn là giảm quy định hình phạt tử hình và quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã xây dựng hai đề án: "Nghiên cứu, đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi)" và "Giảm quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình". Báo cáo những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Để thực hiện mục tiêu và quán triệt các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật, phạm vi sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự lần này được xác định sửa đổi căn bản, toàn diện. Trên cơ sở đó, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự có tổng số 471 điều, chia thành 8 phần, với 36 chương. So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 tăng 125 điều, cụ thể: bổ sung mới 142 điều, sửa đổi 264 điều, giữ nguyên 48 điều, bãi bỏ 17 điều…

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh đây là các đề án luật rất quan trọng và lần đầu cho ý kiến. Hoan nghênh các cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị các đề án luật công phu, khoa học
và thực tiễn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị: Việc xây dựng các đề án luật phải thể hiện đầy đủ và tuân thủ tuyệt đối đúng Hiến pháp 2013 cũng như các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nội dung của các đề án luật phải nghiêm minh, bảo đảm công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và có tính chất hội nhập quốc tế. Các cơ quan soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý và sớm chỉnh lý, hoàn thiện 3 đề án luật này trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét và Quốc hội cho ý kiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.