Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cội nguồn bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Thái Sơn| 01/04/2015 05:57

(HNM) - Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

LTS: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 40 năm non sông liền một dải, Tổ quốc trọn niềm vui, đây là mốc thời gian để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhân dịp này, Báo Hànộimới mở chuyên mục "Kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)", trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cội nguồn bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, đặc biệt trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định là Đảng ta đã xây dựng và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng bào miền Nam đón chào đoàn quân Giải phóng. Ảnh tư liệu


Nền tảng làm nên chiến thắng

40 năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc cuộc đụng đầu lịch sử giữa ta và đế quốc Mỹ nhưng nhiều học giả, nhà nghiên cứu, phân tích quân sự trên thế giới vẫn thấy khó lý giải cho chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Nước Mỹ là một cường quốc có tiềm lực và sức mạnh về kinh tế và quân sự lớn hơn chúng ta gấp nhiều lần. Ví dụ cụ thể là dân số cả nước ta lúc đó chỉ xấp xỉ 1/6 nước Mỹ, giá trị tổng sản phẩm quốc dân của miền Bắc bằng khoảng 1/1.000 của nước Mỹ; đặc biệt nếu so sánh về lực lượng quân sự giữa hai bên, nhất là về trình độ khoa học - kỹ thuật thì sự chênh lệch là quá lớn. Theo những con số thống kê được công bố, thực hiện cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam, dù chịu phản ứng gay gắt của dư luận thế giới, trong đó có những người Mỹ yêu chuộng hòa bình, nhưng nước Mỹ đã tốn kém tới 676 tỷ USD. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã qua 5 đời tổng thống, kéo dài 222 tháng và 4 lần thay đổi “Chiến lược chiến tranh” song kết cục vẫn là thảm bại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đặc biệt, nếu đặt cuộc đụng đầu lịch sử này trong bối cảnh quốc tế và khu vực chứa đựng rất nhiều phức tạp, khó khăn và bất lợi cho cách mạng Việt Nam thời bấy giờ thì càng thấy chiến thắng của chúng ta là vô cùng to lớn.

Vậy đâu là nền tảng làm nên chiến thắng của chúng ta? Có thể thấy, đó chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, có cội nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Và sức mạnh đó đã nhân lên gấp bội khi được soi sáng bởi Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc. Đây chính là động lực thôi thúc lớp lớp người Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với khí thế cách mạng sục sôi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, với tinh thần “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Điều đó sau này cũng đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng khẳng định với các nhà báo và học giả phương Tây: “Một lần nữa tôi muốn nói rõ rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay”.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Trong hội thảo khoa học “Đại thắng mùa xuân 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, phân tích vấn đề này, Đại tướng Phạm Văn Trà cho rằng: “Một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là một bài học sâu sắc là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, huy động sức mạnh của cả nước thực hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào! Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”, quân và dân cả nước đã đoàn kết một lòng, vượt qua gian khổ ác liệt, chiến đấu, hy sinh vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Với vai trò là “hậu phương lớn” cho chiến trường miền Nam, khắp các địa phương của miền Bắc đã dấy lên những phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” như phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, nông dân “Tay cày tay súng”, công nhân “Tay búa, tay súng”, học sinh “làm nghìn việc tốt”… Thực hiện mục tiêu duy nhất là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, 70% gia đình ở miền Bắc đều có người thân chiến đấu trên chiến trường miền Nam; Chỉ riêng 4 tháng đầu của năm 1975, miền Bắc đưa vào chiến trường miền Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại, góp phần quyết định để quân và dân ta mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn.

Trên chiến trường miền Nam, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước khẳng định, nói tới chiến thắng 30-4-1975 mà chỉ nói về 5 cánh quân, 5 hướng tiến công, tức là chỉ nói về các “quả đấm chủ lực” thì không đầy đủ. Phải thấy rõ đây thật sự là cuộc “tổng tiến công và nổi dậy” đồng loạt, rộng khắp của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có cả lực lượng của những người bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của địch, cơ sở cách mạng trong hàng ngũ của địch. “Quả đấm chủ lực” tạo điều kiện cho lực lượng quân sự, chính trị bên trong và ngược lại lực lượng bên trong đã tạo điều kiện cho các mũi tiến công của chủ lực, làm cho cả bộ máy ngụy quyền và bộ máy ngụy quân với 1,1 triệu tên được đế quốc Mỹ viện trợ, trang bị hiện đại tan rã hoàn toàn.

Bên kia chiến tuyến, những người đã thua chúng ta trong cuộc đụng đầu lịch sử này cũng đã thừa nhận điều đó. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, người từng được coi là kiến trúc sư chính về quân sự của Washington trong cuộc chiến tại Việt Nam, trong hồi ký của mình đã thừa nhận, nước Mỹ thua trận ở Việt Nam bởi những sai lầm, trong đó có sai lầm “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”.

Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn thể dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc, đó chính là cội nguồn sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Lý Sơn kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng

Sáng 31-3, huyện Lý Sơn tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng (31/3/1975-31/3/2015).

40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Lý Sơn đã chung sức, chung lòng, đoàn kết vươn lên khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống dân sinh với những công trình có quy mô lớn như: Cảng cá, mạng lưới đường giao thông, bệnh viện, trường học, tàu khách cao tốc ra đảo, dự án vũng neo đậu tàu thuyền trú bão và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống sạt lở bờ biển đảo, hệ thống điện cáp ngầm xuyên biển và một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 4-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ… Diện mạo của đảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 16-17%...

Xuân Thiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cội nguồn bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.