Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần luật hóa kiểm sát việc hỏi cung, chống bức cung, nhục hình

Vân An| 23/05/2015 15:10

(HNMO) - Chiều 23/5, thẩm tra dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ quy định ngay trong Luật, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam...


Theo báo cáo của Chính phủ, trong những năm qua, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được tổ chức chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, bảo vệ tốt quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể; chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa có quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính…

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật tạm giữ, tạm giam trong tình hình hiện nay là cần thiết. Trên cơ sở đó, Chính phủ xây dựng Luật tạm giữ, tạm giam gồm có 11 chương, 87 điều.

Đáng chú ý, về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, dự thảo Luật đã xây dựng theo hướng quy định nguyên tắc là người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và các luật khác có liên quan và khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, người bị tạm giữ, tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo; trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự hợp pháp thì phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật của mình và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.


Luật hóa việc hỏi cung, thiết kế hệ thống phòng hỏi cung

Thẩm tra Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, Ủy ban tư pháp đánh giá, dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị tương đối công phu. Ủy ban tán thành với Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật này, bảo đảm các quy định về tạm giữ, tạm giam phù hợp với Hiến pháp năm 2013, theo đó quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở Nhà tạm giữ, Trại tạm giam trong thời gian qua, đồng thời phúc đáp yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, Ủy ban tán thành với nhiều quy định của dự án Luật. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, các quyền này còn quy định tản mạn, có tính chất liệt kê, chưa đầy đủ. Do đó, dự thảo Luật chỉ nên quy định theo hướng hạn chế một số quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, rà soát những nội dung liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để quy định tập trung, rõ ràng, cụ thể ngay trong dự án Luật, mà không giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định.

Đáng chú ý, về điều kiện bảo đảm thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam, Ủy ban cho rằng, tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân, chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam gây ra, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án Luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam; việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai; việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất; trách nhiệm của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam.... để bảo đảm căn cứ pháp lý cụ thể cho việc tổ chức thực hiện. Nhất là trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam.

Từ năm 1998 đến hết năm 2014, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên toàn quốc đã tiếp nhận và quản lý giam giữ 2.039.012 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Hiện tại, toàn quốc có 83 trại tạm giam (trong Công an nhân dân có 70 trại tạm giam, trong Quân đội nhân dân có 13 trại tạm giam), 734 nhà tạm giữ (trong Công an nhân dân có 700 nhà tạm giữ, trong Quân đội nhân dân có 34 nhà tạm giữ) và 224 buồng tạm giữ thuộc các đồn biên phòng ở nơi biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện, đang trực tiếp quản lý giam giữ 47.827 người bị tạm giam, 1.010 người bị tạm giữ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần luật hóa kiểm sát việc hỏi cung, chống bức cung, nhục hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.