Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh

Võ Lâm| 30/06/2015 06:15

(HNM) - Việc cưới, việc tang là những sự kiện quan trọng trong truyền thống văn hóa người Việt. Với mục tiêu

1. Thực hiện Chương trình 04, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở đã có nhiều giải pháp làm thay đổi nhận thức, hành động trước hết là của cán bộ, đảng viên sau đó là của người dân về việc cưới, việc tang. Ngày 3-10-2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố. Trước đó, ngày 27-4-2012, UBND thành phố ban hành Quyết định 07/2012/QĐ-UBND quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 11 đã tạo chuyển biến rõ nét trên quy mô toàn thành phố, khắc phục được tình trạng thực hiện việc cưới văn minh, tiết kiệm mới dừng lại trong phạm vi hẹp trước đó. Với Chỉ thị này, những nơi có sáng kiến làm trước như quận Hà Đông có thêm động lực để thực hiện quyết liệt và thường xuyên hơn việc xây dựng phong trào tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã triển khai thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy một cách nghiêm túc. Nhiều cấp ủy xây dựng nghị quyết chuyên đề, yêu cầu từng cán bộ, đảng viên ký cam kết thực hiện Chỉ thị 11. Việc thực hiện Chỉ thị 11 được gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, trở thành một trong những nội dung thi đua - khen thưởng hằng năm. Có những địa phương đã áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên không thực hiện Chỉ thị 11. Chẳng hạn, quận Hà Đông đã kỷ luật 20 cán bộ, đảng viên từ hình thức khiển trách đến cách chức, miễn nhiệm, thuyên chuyển công tác. Nhờ đó, hiện nay gần như 100% đám cưới, đám tang trên địa bàn quận được tổ chức đúng tinh thần văn hóa, văn minh.

2. Không chỉ ở Hà Đông, nhiều nơi như Long Biên, Hoài Đức, Đan Phượng, Sóc Sơn, Đông Anh... việc cưới, việc tang cũng có chuyển biến rõ nét trong khâu tổ chức. Việc tổ chức đám cưới tiết kiệm, ít mâm cỗ, tổ chức đám tang không thuốc lá, không ăn đã phổ biến. Nhiều gia đình cho rằng, nhờ có Chỉ thị 11 mà việc lo đám cưới cho con của họ trở nên đơn giản, "nhẹ đầu" rất nhiều. Gần 3 năm qua, thực hiện Chỉ thị 11, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể nhiều địa phương đã sáng tạo nhiều mô hình phong phú, đó là tổ chức cưới tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã; đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ; đám cưới không có thuốc lá, mô hình mỗi đám cưới ủng hộ quỹ khuyến học của địa phương giá trị bằng một mâm cỗ; báo hỷ sau cưới; không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, không mời tràn lan, làm không quá 40 mâm cỗ...

Cùng với thực hiện Chỉ thị 11, các địa phương, đơn vị đã tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ trong việc tang một cách nghiêm túc. Nhiều cấp ủy có văn bản chỉ đạo chung, xây dựng các cơ chế hỗ trợ tổ chức tang lễ, hỗ trợ hỏa táng. Các chi bộ đến từng gia đình tổ chức vận động. Tổ chức lễ tang tiết kiệm; không tổ chức các hủ tục lạc hậu, mê tín không phù hợp với nếp sống văn minh; thực hiện hỏa táng, hạn chế việc hung táng người quá cố là những nội dung tuyên truyền, vận động chính, đạt kết quả rất đáng kể. Một số hủ tục lạc hậu như lăn đường, khóc thuê, lên đồng ở nhiều nơi đã giảm, thậm chí được xóa bỏ. Trong phong trào này, nổi lên những địa phương rất đáng biểu dương như huyện Đông Anh, Thanh Trì, Thạch Thất, Phú Xuyên, các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình...

3. Có lẽ không cần nhắc lại sự cần thiết thực hiện việc cưới, việc tang một cách văn hóa, văn minh. Nhưng thực tế, bên cạnh sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của nhiều cộng đồng, của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, vẫn còn đó những trường hợp cố tình "lách" quy định của thành phố. Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh, để thực hiện nghiêm Chỉ thị 11 cũng như các nội dung về việc cưới, việc tang, các cấp ủy Đảng phải tăng cường giám sát, kịp thời nhắc nhở, phê bình cán bộ, đảng viên. Chỉ khi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt mới tạo ra sức lan tỏa trong xã hội, người dân mới cùng hưởng ứng.

Một điều đáng quan tâm nữa là số lượng cán bộ, đảng viên không thuộc Đảng bộ TP Hà Nội sống trên địa bàn rất đông nhưng không phải đối tượng bắt buộc thực hiện Chỉ thị 11 (đảng viên sinh hoạt hai chiều). Đó phải chăng là lý do thời gian qua trên địa bàn vẫn còn nhiều đám cưới rình rang, lãng phí của gia đình cán bộ, đảng viên tác động tiêu cực đến dư luận xã hội. Vì vậy, cần có thêm biện pháp phù hợp hưởng ứng phong trào có ý nghĩa tích cực này để góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn hóa, văn minh, đúng như tinh thần Chương trình 04 đã đề ra: Phát triển văn hóa Thủ đô thực sự xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu đi đầu cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.