Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Thái Sơn| 03/08/2015 06:01

(HNM) - Giai đoạn 2011-2015, Huyện ủy Phúc Thọ đã tập trung trí tuệ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và chọn dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá.


Đến hết năm 2014, công tác DĐĐT toàn huyện đạt 3.708ha, bằng 100,6% so với kế hoạch; có 10 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, Phúc Thọ trở thành một trong 6 huyện dẫn đầu Hà Nội về thành tích này, được UBND thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc. Hiện Phúc Thọ đang phấn đấu hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận trở thành huyện NTM.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ


Thành tích nêu trên của huyện Phúc Thọ đặc biệt có ý nghĩa vì năm 2012, khi về kiểm tra việc xây dựng NTM tại địa phương, Ban chỉ đạo của thành phố đã nghiêm túc phê bình cấp ủy, chính quyền về tiến độ chậm và hơn hết là tâm lý ngại trong thực hiện. Cùng với đó là những khó khăn của địa bàn như xuất phát điểm thấp so với các tiêu chí xây dựng NTM; kinh tế nông nghiệp là chủ yếu; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một bộ phận cán bộ còn yếu kém về năng lực chuyên môn…

Mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Anh


Vậy nhưng chỉ với 3 năm cuối của nhiệm kỳ 2011-2015, Phúc Thọ đã có những nỗ lực vượt bậc, vươn lên trở thành điểm sáng, nằm trong tốp dẫn đầu thành phố về xây dựng NTM. Cụ thể, Huyện ủy Phúc Thọ đã ban hành hệ thống văn bản cụ thể hóa Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015". Đặc biệt từ cuối năm 2012, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, biện pháp cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng NTM, DĐĐT và tập trung phát triển nông nghiệp một cách quyết liệt, nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả, trở thành điểm nhấn trong thành quả chung về phát triển kinh tế - xã hội của Phúc Thọ trong nhiệm kỳ qua.

Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu cho biết: Chúng tôi có quan điểm là quan tâm xây dựng NTM không chỉ để có đường to, nhà cao mà quan trọng nhất là trong từng ngôi nhà và trên những con đường ấy là những con người văn minh, ứng xử với nhau có văn hóa và không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống. Đó chính là những việc thiết thực "có lợi cho dân" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền phải cố gắng thực thi. Quyết tâm chính trị, phân công trách nhiệm, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách cũng dựa vào nền tảng đó. Và xây dựng NTM, đầu tiên là phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhiệt huyết, đủ tư duy, phẩm chất, trình độ năng lực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cùng với đó phải làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sức dân và các nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp; đề cao dân chủ, công khai, minh bạch; chỉ đạo sát sao, cụ thể…

Thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ

Để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, Huyện ủy Phúc Thọ đặc biệt quan tâm việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Ưu tiên, tập trung đưa các vấn đề mới, lớn, khó, là khâu yếu, cấp thiết để tập thể cấp ủy nghiên cứu, thảo luận, bàn bạc, kịp thời ban hành nghị quyết, kết luận nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở được giải quyết kịp thời và triệt để.

Tại xã Liên Hiệp, không phải từ đầu người dân đã ủng hộ việc DĐĐT do một bộ phận bà con còn thiếu lòng tin, quen cách làm ăn tồn tại đã lâu, có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí còn vận động các hộ dân khác không thực hiện DĐĐT. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được phương án ở 10 cụm dân cư căn cứ vào ý kiến đóng góp của nhân dân để bảo đảm sự công bằng, 100% số hộ đều đồng tình và tự nguyện ký bàn giao diện tích đất cho địa phương để thực hiện DĐĐT. Chưa đầy một tháng (từ trung tuần tháng 1 đến đầu tháng 2-2015), toàn xã đồng loạt tổ chức gắp phiếu nhận vị trí và giao ruộng ngoài thực địa cho 1.700 hộ (đạt 100%), với tổng diện tích 199ha. Thay vì có nhiều thửa manh mún, nay mỗi hộ cơ bản chỉ còn một thửa ruộng lớn. Đáng nói, nhiều hộ còn xung phong nhận các thửa ruộng xấu để chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao giá trị canh tác.

Nhằm huy động và phát huy tối đa các nguồn lực xây dựng NTM, Phúc Thọ đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân và các doanh nghiệp thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Tổng kinh phí Phúc Thọ huy động và giải ngân cho NTM lũy kế đến hết năm 2014 đạt hơn 539 tỷ đồng. Trong đó ngân sách của trung ương và thành phố là hơn 186 tỷ đồng, ngân sách huyện là 137 tỷ đồng. Riêng nguồn
vốn huy động người dân, doanh nghiệp đóng góp đạt hơn 157 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục huy động được trên 24,6 tỷ đồng, bổ sung vào nguồn vốn xây dựng NTM của địa phương…

Sau DĐĐT, một số vùng sản xuất chuyên canh được hình thành và phát triển như rau an toàn 197ha, giá trị từ 600 đến 800 triệu đồng/ha/năm; lúa hàng hóa chất lượng cao 715ha; sản xuất bằng mạ khay, máy cấy năng suất cao đạt 65,7 tạ/ha; mô hình trồng hoa ly cho thu nhập từ 5 đến 5,4 tỷ đồng/ha/vụ, cho thu lãi từ 800 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng… Thu nhập bình quân đầu người của huyện Phúc Thọ năm 2010 chỉ đạt 10,5 triệu đồng nhưng năm 2014 đã đạt trên 25,2 triệu đồng. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến người dân đồng thuận, quyết tâm thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ý Đảng hợp với lòng dân là vậy!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đột phá trong xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.