Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng thế mạnh làng nghề, tăng trưởng bền vững

Linh Nhi| 04/08/2015 06:10

(HNM) - Thường Tín là đất trăm nghề. Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, nhân dân huyện đã đoàn kết, phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng nhiều mô hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp hiệu quả cao, đưa kinh tế phát triển ổn định với thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 triệu đồng/năm, vượt 11% chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra… Đây là tiền đề quan trọng để Thường Tín phát triển nhanh và toàn diện trong giai đoạn mới.

Phát huy nội lực, hướng tới phát triển bền vững

Nằm ở phía nam Thủ đô, với thế mạnh của vùng đất trăm nghề, nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy Thường Tín đã xây dựng Chương trình số 09 - Ctr/HU, ngày 30-3-2011 về "Phát triển kinh tế, tăng trưởng bền vững; từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011-2015" nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo các điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất về mặt bằng, vay vốn, thực hiện chính sách khuyến công. Đồng thời, huyện tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm với việc hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp Quất Động mở rộng diện tích trên 43ha, các cụm công nghiệp làng nghề; đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng mở 103 lớp nhân cấy và nâng cao tay nghề cho hơn 4 nghìn lao động. Huyện cũng đã nỗ lực xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng cho 900 doanh nghiệp, hàng vạn hộ sản xuất, kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và được thành phố công nhận 46 làng nghề, 6 cụm công nghiệp, 4 cụm tiểu thủ công nghiệp. Nhờ có những giải pháp đồng bộ, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng cao, riêng năm 2015 ước đạt hơn 6.500 tỷ đồng, với mức tăng bình quân 13,51%/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Song song với phát triển kinh tế, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Tô Văn Cường cho biết, xác định hướng phát triển bền vững của các mô hình kinh tế đặc thù của địa phương nói riêng và kinh tế - xã hội toàn huyện nói chung, nhiệm kỳ qua, huyện đã tập trung chỉ đạo lập, quản lý, tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Cụ thể là, thẩm định, phê duyệt 28 đồ án xây dựng nông thôn mới của 28 xã; phối hợp với các sở, ngành của thành phố hoàn thiện việc xây dựng các đồ án quy hoạch phân khu có liên quan trên địa bàn và khu nghĩa trang, khu xử lý chất thải… Đồng thời, trên địa bàn đã đầu tư 1.400 tỷ đồng từ ngân sách các cấp và huy động vốn xã hội hóa xây mới hơn 920 công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa, trụ sở làm việc…

Bên cạnh đó, kinh tế nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiện toàn củng cố, chuyển đổi mô hình quản lý HTX theo luật, gắn với duy trì dịch vụ cho sản xuất; đầu tư cho các địa phương hơn 50 tỷ đồng duy tu, xây dựng công trình thủy lợi, nạo vét kênh, mương, xây dựng các mô hình sản xuất; chỉ đạo 28/28 xã dồn điền, đổi thửa hơn 4.300ha, giảm hơn 86 nghìn thửa, vượt kế hoạch thành phố giao… Kết quả giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác năm 2015 đạt 125 triệu đồng/ha, tăng 29% so với đầu nhiệm kỳ.

Tiếp tục chú trọng chất lượng cán bộ

Nhiệm kỳ qua, Thường Tín tạo được bước đột phá trong công tác cán bộ. Nhận thấy trình độ cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế; nhận thức của đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức Đảng, đoàn thể còn ở mức độ khác nhau, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 07-CTr/HU, ngày 12-12-2011 để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu Chương trình số 01 của Thành ủy về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân các cấp, giai đoạn 2011-2015". Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU về việc "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội", bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của tổ chức Đảng đối với hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Do đó các tổ chức Đảng, đoàn thể từ 170 chi bộ được kiện toàn lại giảm còn 160 chi bộ.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được quan tâm, huyện chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, thành phố tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả, toàn huyện đã mở 381 lớp học nghị quyết cho hơn 76.600 cán bộ, đảng viên, tỷ lệ cán bộ, đảng viên học nghị quyết đạt 93,5% (tăng 2,5%) so với đầu nhiệm kỳ. Công tác quy hoạch cán bộ được chú trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01 về công tác cán bộ, hệ số quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ đạt 1,2 lần, tỷ lệ cán bộ nữ đạt trên 31%, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 33,3%. Đáng chú ý, 100% cán bộ được quy hoạch có trình độ chuyên môn đại học, trong đó hơn 10% thạc sĩ, trên 89% có trình độ LLCT trung cấp trở lên.

Bí thư Huyện ủy Tô Văn Cường cho biết, với kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Thường Tín xác định mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống đất "danh hương", huyện Anh hùng, thực hiện đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo vượt mọi khó khăn thách thức, tiếp tục khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp, xây dựng, tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương mại và dịch vụ. Về kinh tế nông nghiệp, huyện xác định phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, đạt giá trị kinh tế cao, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí, quyết tâm xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Chỉ tiêu cụ thể của huyện đưa ra trong nhiệm kỳ mới là phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 15%/năm; thương mại, dịch vụ 16%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp 2,5%/năm trở lên; 100% làng, thôn, cụm dân cư, tổ dân phố có nhà văn hóa, 75% xã có trung tâm văn hóa; 100% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, ngăn chặn ô nhiễm môi trường làng nghề; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%; mỗi năm giải quyết việc làm cho 2.500 lao động trở lên… Để đạt được các chỉ tiêu này, huyện quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, phát huy chức năng, giám sát, chất vấn của đại biểu HĐND, giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Một nhiệm vụ quan trọng nữa được xác định rõ trong nhiệm kỳ mới là nâng cao chất lượng công tác cán bộ, coi trọng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá để bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, gắn với đó là việc quan tâm chính sách cán bộ, vận dụng linh hoạt cơ chế để thu hút nhân tài. Đây được xác định là tiền đề để huyện Thường Tín phát triển nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng thế mạnh làng nghề, tăng trưởng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.