Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân

Hà Phong| 03/09/2015 06:46

(HNM) - Từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (ngày 6-1-1946) đến nay, Quốc hội đã trải qua gần 70 năm hình thành và phát triển. Trong quá trình đó, Quốc hội đã có bước tiến dài về dân chủ, ngày càng xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.


Lần đầu tiên nhân dân được làm chủ

Cách đây 70 năm, một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị "Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử". Và chỉ sau 4 tháng giành được độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam bước vào ngày hội lớn - ngày hội bầu cử. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu ra Quốc hội khóa I là sự kiện lịch sử, đánh dấu quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, bởi dưới ách thống trị của đế quốc và phong kiến, người dân Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền dân chủ. Nay, lần đầu tiên mọi người được tự do thảo luận, chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam.

Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là một trong những hoạt động của Quốc hội được cử tri đánh giá cao. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ đầu tiên với 403 đại biểu, trong đó, 87% là người xuất thân từ công nhân, nông dân, viên chức và quân nhân cách mạng. Trong nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội khóa I đã phát huy vai trò của mình trong việc xem xét và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, 11 đạo luật và 50 nghị quyết, phê chuẩn Hiệp định Giơnevơ. Đặc biệt, Luật Cải cách ruộng đất được thông qua tại kỳ họp thứ ba (năm 1953) là văn bản có ý nghĩa quan trọng nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chính sách "người cày có ruộng" và chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.

Tiếp tục đổi mới

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, kể từ Quốc hội khóa đầu tiên, trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Các cuộc họp của Quốc hội đều công khai. Thành viên của Chính phủ không phải là đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế đều được mời tham dự. Rất nhiều vấn đề cấp bách mà người dân và doanh nghiệp đang phải đối diện, xuất phát từ những yếu kém của nền kinh tế như nguồn vốn tắc do lãi suất quá cao, chính sách tài khóa không song hành với chính sách tiền tệ trong việc chống lạm phát, hiệu quả đầu tư thấp đã được đại biểu Quốc hội bàn bạc, thảo luận với những dẫn chứng cụ thể, tìm cách giải quyết tận gốc. Song song với đó, những dự án luật trước khi được Quốc hội tiến hành bỏ phiếu đều được phân tích kỹ lưỡng, tìm ra chân lý, sự thực khách quan.

Theo TS Nguyễn Viết Nhiên, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, những đánh giá của Quốc hội dựa trên cơ sở rất quan trọng, đó là ý kiến cử tri. Nếu như trước đây, do điều kiện chiến tranh nên việc lắng nghe ý kiến nhân dân còn có những hạn chế nhất định thì nay được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, phổ biến nhất là tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp Quốc hội, giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng gần dân, hiểu dân, đưa ra những quyết sách đúng đắn trong quá trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tiêu biểu là trong lĩnh vực cải cách tư pháp, sau khi Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được thông qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân, Quốc hội đã xây dựng nhiều luật, bộ luật, pháp lệnh quan trọng về lĩnh vực tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan tư pháp như: Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Phòng, chống tham nhũng... Đặc biệt, dư luận trong nước và nước ngoài đánh giá cao những quy định cởi mở, đậm tính quốc tế trong Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi cuối năm 2013 về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (cơ quan chấp hành của Quốc hội); Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp cũng có nhiều đổi mới theo hướng hiện đại. Thành công tiêu biểu là thực hiện tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, khắc phục tình trạng tồn đọng án ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao.

Theo kế hoạch xây dựng pháp luật trong năm 2015, các luật liên quan đến quyền con người, hoàn thiện cơ chế bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, chống bức cung, nhục hình sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào dịp cuối năm 2015. Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, đặc biệt trong giai đoạn điều tra; từng bước bảo đảm cho mọi công dân có nhu cầu được trợ giúp pháp lý và được bào chữa khi bị xét xử về hình sự, coi đây là một trong những khâu đột phá của cải cách tư pháp. Không chỉ vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị kỳ họp thứ mười tới sẽ đổi mới chất vấn, tức là chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng lĩnh vực. Theo đó, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ có báo cáo về kết quả thực hiện chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến kỳ họp thứ chín. Sau đó, các đại biểu sẽ căn cứ vào nội dung các báo cáo để xem đã làm những gì, cái gì còn tồn tại, hướng giải quyết thế nào và trách nhiệm đến đâu. "Đại biểu chất vấn ai thì người đó trả lời. Đây là đổi mới, đi đến cùng, không đánh trống bỏ dùi giúp Quốc hội phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, giải quyết tận gốc những bất cập" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 39 vừa diễn ra. Rõ ràng, đây là bước tiến rất dài trong dân chủ nghị trường mà qua mỗi kỳ họp chắc chắn nhân dân ai cũng có thể cảm nhận, nhìn thấy, bày tỏ rõ sự đồng tình, hưởng ứng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.