Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 9: Dồn điền, đổi thửa: Việc khó đã thành!

Nguyễn Mai| 06/10/2015 06:25

(HNM) - Dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên được Hà Nội chọn là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 02 về


Bắt đầu triển khai từ năm 2012, từ những thửa ruộng bé, manh mún, đến nay, Hà Nội đã có những thửa ruộng đủ lớn để khởi đầu cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Khó như dồn điền đổi thửa

Sóc Sơn là huyện đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai công tác DĐĐT và xã Tân Hưng là xã được huyện chọn làm điểm. Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Nghi nhớ lại, xã có hơn 540ha đất canh tác, trước năm 2009, người dân chủ yếu làm nông nghiệp nhưng đồng ruộng manh mún, sản xuất lạc hậu, nhân dân chán ruộng nhưng khi cấp ủy, chính quyền triển khai DĐĐT, nhiều người lại không muốn, thậm chí cản trở. Vụ xuân 2012, nông dân không chịu nhận ruộng, bỏ hoang 100ha không sản xuất. Một số đối tượng kích động người dân "tẩy chay" phong trào. Một số cá nhân trước đây "lận" được một phần đất nông nghiệp nay không muốn tham gia dồn đổi ruộng vì sợ mất phần. Nhiều hộ dân đòi chia lại toàn bộ phần đất dôi dư với lý do "đất của làng" kéo ra cản trở... Không ít người đã ví, công cuộc DĐĐT của vùng đồi gò lúc đó như cuộc "trở dạ", đau đớn dữ dội.

Dồn điền, đổi thửa là tiền đề để đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất. Ảnh: Thanh Phương


Thực hiện DĐĐT, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố xảy ra xung đột, mâu thuẫn, đơn kiện vượt cấp… Tại một xã của huyện Phú Xuyên, người dân còn đem cả vòng hoa đến đặt ở nhà cán bộ xã để "tế sống"… Là người trực tiếp xuống cơ sở, hướng dẫn các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong DĐĐT, theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết: Đó là việc làm quá khó! Nó đụng chạm đến quyền lợi của nhiều tập thể, nhiều cá nhân. Là việc khó nên ở nhiều nơi, cán bộ ngại va chạm, ngại khó, ngại khổ nên chưa quyết liệt… Nhưng đây là chủ trương rất đúng, trúng lòng dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Thành ủy, sự vào cuộc của các cấp chính quyền; việc xây dựng quy trình DĐĐT một cách bài bản, có kế hoạch rõ ràng đi kèm các cơ chế, chính sách hỗ trợ; việc tuyên truyền, vận động, đối thoại với dân được đẩy mạnh... nên những khó khăn dần được tháo gỡ.

Ruộng lớn, cơ giới hóa sản xuất

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội, đến nay thành phố đã DĐĐT được 76.551/76.365ha (bằng 100,1% kế hoạch). Sau DĐĐT đã nở rộ những mô hình chuyển đổi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết địa phương có quy hoạch sản xuất lúa đã xây dựng được mô hình "cánh đồng mẫu lớn" sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Các mô hình chuyển đổi từ lúa, ngô, sắn… sang cây, con có giá trị kinh tế cao hơn xuất hiện ngày càng nhiều.

Tại xã Tân Hưng, sau DĐĐT đã quy hoạch lại sản xuất, xây dựng chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi bài bản. Riêng với cây lúa, đã quy hoạch vùng sản xuất diện tích 300ha. "Vụ chiêm chúng tôi trồng giống lúa tẻ thơm, vụ mùa trồng nếp cái hoa vàng đã được huyện hỗ trợ xây dựng xong thương hiệu" - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nghi cho biết. Có ruộng lớn, HTX cùng bà con đầu tư mua máy móc thay sức người ở các khâu làm đất, cấy, gặt. Hàng trăm hộ phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.000 đến 3.000 con/trại.

Mắt của những người nông dân ánh lên niềm vui khi đón nhận những vụ thu hoạch được mùa, được giá. Ông Nguyễn Phạm Loạn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Vĩnh Ninh xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) cho biết, hiện nay, mỗi gia đình ở quê ông chỉ còn 1 thửa ruộng. Hộ nào không cấy lúa thì nuôi trồng thủy sản. HTX đã đầu tư 3 máy cày Kubota của Nhật Bản, 3 máy gặt đập liên hợp và 4 máy cấy phục vụ xã viên với giá "hữu nghị" hơn so với giá thị trường. "Cắt lúa, đập lúa bằng máy. Thậm chí, chủ máy còn bán luôn cả bao tải đựng thóc. Bà con chỉ cần mang xe đến bờ ruộng chở lúa về" - ông Loạn cười. Tới đây, HTX sẽ đầu tư thêm 10 máy cấy nữa để hoàn thành cấy máy trên 100% diện tích. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để đưa các giống lúa mới vào sản xuất, nâng giá trị cho hàng nông sản.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội, UBND thành phố đã phê duyệt chương trình cơ giới hóa và có chính sách khuyến khích phát triển nên tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở các địa phương diễn ra nhanh. Đến nay, Hà Nội đã đầu tư được 9 khâu cơ giới hóa trên 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Toàn thành phố đã có 842 máy làm đất, góp phần đưa tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 90%, tăng xấp xỉ 20% so với 3 năm trước; đầu tư 193 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt 13,5%, tăng gần 8% so với trước. Ngoài hỗ trợ của thành phố, tùy theo tình hình, nhiều địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ riêng như Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn… Hiện huyện Phú Xuyên đã có 132 máy cấy, 16 máy gặt đập liên hợp; huyện Sóc Sơn có 33 máy cấy, 13 máy gặt đập liên hợp… 6 xã có tốc độ cơ giới hóa nhanh đó là Tân Hưng (Sóc Sơn), Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), Liên Châu (Thanh Oai), Đại Thắng (Phú Xuyên), Hương Ngải (Thạch Thất), Dục Tú (Đông Anh).

Cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2% đến 3%, bảo đảm tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân. Đến hết năm 2014, trung bình mỗi héc ta canh tác ở Hà Nội đã đạt giá trị 231 triệu đồng (năm 2010 là 71 triệu đồng). Trong đó, các vùng trồng hoa, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao hơn hẳn, nhiều vùng đạt từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha canh tác. Cũng từ khi cơ giới hóa nông nghiệp được đẩy mạnh, một lượng lớn lao động nông thôn đã được giải phóng. Đôi vai người nông dân vơi đi gánh nặng, nhọc nhằn trên đồng ruộng. Sau thời gian nông nhàn, bà con chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… nên có thêm thu nhập, đời sống được cải thiện rõ nét.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 9: Dồn điền, đổi thửa: Việc khó đã thành!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.