Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện để cử tri lựa chọn người xứng đáng nhất

Hà Phong| 25/11/2015 06:52

(HNM) - Tiến trình chuẩn bị bầu cử đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan bầu cử với Ủy ban MTTQ các cấp. Trong đó, số dư rất quan trọng để cử tri có cơ sở lựa chọn người xứng đáng nhất.


- Theo ông, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp sắp tới, đưa ra số dư thế nào để hạn chế tối đa tình trạng "quân xanh, quân đỏ" và lựa chọn được người xứng đáng nhất?

- Tôi cho là trước hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử phải đề cao trách nhiệm giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự thích đáng làm đại biểu cho mình. Càng đưa ra nhiều người đủ khả năng thì điều kiện lựa chọn của cử tri sẽ càng rộng và thể hiện được sự bình đẳng giữa các ứng viên. Để khắc phục chuyện "quân xanh, quân đỏ", nếu bầu ba người thì phải có số dư tối thiểu hai người, nếu bầu bốn phải có số dư tối thiểu ba người. Với xu hướng này, tôi cho rằng chúng ta cũng không nên quan niệm rằng cứ phải số phiếu cao mới tốt mà chỉ cần quá bán thôi.

Để có cơ sở lựa chọn người xứng đáng nhất, luật hiện hành cũng đã có quy định nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các ứng viên. Tuy nhiên, để cử tri có thể lựa chọn chính xác thì cần tạo điều kiện như nhau, giúp ứng cử viên được tiếp cận nhiều với người bầu ra mình đúng luật nữa. Quan sát qua các đợt bầu cử vừa qua, tôi thấy có địa phương tổ chức bài bản, thành những đợt tiếp xúc dài ngày, song cũng có nơi tổ chức còn hạn chế.

- Dù không phổ biến, nhưng lâu nay có tình trạng bầu hộ, bầu thay. Ông cho rằng phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Có chuyện một người có thể bầu hộ cho tất cả các thành viên khác trong gia đình thật. Tôi đề nghị có những quy định cụ thể chống đi bầu thay, không phát phiếu cả gia đình cho một người để bảo đảm mỗi cử tri bày tỏ ý chí trong việc lựa chọn đại biểu, thể hiện tính khách quan của kết quả bầu cử. Nhưng việc quan trọng hơn hết là phải tăng cường tuyên truyền vận động, giáo dục để mọi người dân nhận thức đúng quyền, cũng như trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. Thà rằng trong 100 người chỉ có 70 người đi bầu nhưng thực chất còn hơn bầu hộ.

- Yêu cầu bảo đảm tính chủ động, độc lập, khách quan của Hội đồng Bầu cử quốc gia là vấn đề ĐBQH, cử tri đặc biệt quan tâm. Ông cho rằng nên thực hiện thế nào?


- Đối với kỳ bầu cử tới, việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa đắc cử Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia không ra ứng cử thể hiện rất rõ tính khách quan. Trước đó Hiến pháp cũng đã quy định rõ, Hội đồng Bầu cử quốc gia là thiết chế độc lập, được xây dựng nhằm góp phần hạn chế những bất cập trong cơ chế tổ chức, quản lý bầu cử. Đây là cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn công tác bầu cử thống nhất. Từ ngày công bố bầu cử đến khi công bố kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia có vai trò rất lớn trong giải quyết đơn thư khiếu nại quá trình bầu cử, nếu có. Còn sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia giải thể thì việc giải quyết thuộc trách nhiệm của Quốc hội khóa mới.

Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện để cử tri lựa chọn người xứng đáng nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.