Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm đổi mới công tác cán bộ

Quốc Bình| 28/03/2016 06:24

(HNM) - Thảo luận tại hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 diễn ra tại Hà Nội ngày 26-3, lãnh đạo các địa phương khẳng định mong muốn, quyết tâm đổi mới công tác tổ chức cán bộ. Nhiều cách làm sáng tạo cũng đã được chia sẻ và đề nghị nhân rộng.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị "về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức"; đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Đây được xác định là khâu đột phá trọng tâm của Thành ủy Hà Nội trong cải cách hành chính. Không chỉ phấn đấu giảm 10% biên chế như yêu cầu, Thành ủy Hà Nội quyết tâm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan liên quan sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương thống nhất thực hiện thuận lợi.

Cùng quan tâm tới vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định, từ nay đến ngày 30-6, tỉnh sẽ hoàn thành việc rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đến ngày 30-7 sẽ hoàn thành việc đánh giá lại đội ngũ này, có hướng xử lý từng đối tượng cụ thể. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tổ chức chỉ đạo thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2020. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét lại để có tham mưu điều chỉnh, vì có một bất cập là Văn phòng Đảng ủy xã không được bố trí biên chế. Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: Quy định này là không hợp lý, vì hạ thấp công tác xây dựng Đảng ở cơ sở nên cần nghiên cứu lại.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh kiến nghị về cải cách hành chính trong Đảng. Theo đồng chí, thực hiện Nghị quyết 39 là rất cần thiết, nhưng cần phải đổi mới mạnh hơn nữa. Quy trình công tác cán bộ khối nhà nước đã có tiêu chuẩn ISO, nhưng khối Đảng thì chưa có. Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ cần liên thông về công tác đánh giá cán bộ, sớm hướng dẫn cụ thể việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan Đảng. Trong khi đó, chia sẻ về lợi ích của mô hình xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được thực hiện ở tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm nghiên cứu hướng dẫn thống nhất trong cả nước về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy.

Trao đổi về mô hình thí điểm "nhất thể hóa", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, đến nay, tỉnh đã có 2 bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch UBND huyện; 63 bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã, phường (chiếm 34%), 449 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu. Ngoài ra, còn có 9 trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ cấp huyện, 7 chủ nhiệm UBKT kiêm chánh thanh tra nhà nước cấp huyện, 5 trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ cấp huyện… Quảng Ninh đang phấn đấu hết nhiệm kỳ này, số bí thư kiêm chủ tịch ở cấp huyện sẽ đạt 20%, cấp xã đạt 50% và ở khu, cụm dân cư là 100% "nhất thể hóa". Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, không chỉ giảm đầu mối, bớt biên chế, tăng cường sử dụng chung cơ sở vật chất, tiết kiệm chi phí, điều quan trọng của mô hình "nhất thể hóa" là giúp cho công việc thuận lợi hơn, năng suất, hiệu quả công việc cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, các tỉnh đang rất quan tâm tới việc tinh giản biên chế, nhất là liên quan đến mô hình "nhất thể hóa" như đang thí điểm ở Quảng Ninh. Đồng chí kiến nghị Trung ương sớm tổng kết, rút kinh nghiệm, từ đó có thể cho các địa phương triển khai thực hiện đồng thời với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị hiện nay. Khẳng định sự cần thiết phải có chương trình cải cách hành chính đối với các cơ quan Đảng, Thứ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Trung ương sớm nghiên cứu và có chủ trương thực hiện việc này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, một trong những nhiệm vụ của ngành Tổ chức xây dựng Đảng tới đây là tăng cường khảo sát thực tế, đánh giá các mô hình thí điểm, nghiên cứu nhân rộng những mô hình tiên tiến đã được khẳng định; những cách làm hay, sáng tạo ở các cấp nhằm tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng… Đồng chí cũng khẳng định sẽ xây dựng quy chế phân công, phân cấp, quy định trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị.

Thừa hàng trăm phó chủ tịch UBND xã

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, sau đại hội Đảng, mỗi xã loại 2 đã được bố trí 2 phó chủ tịch UBND; nhưng theo Nghị định số 08/2016/NĐ-CP, ngày 25-1-2016 của Chính phủ, mỗi UBND xã loại 2 chỉ có 1 phó chủ tịch. Chiếu theo quy định mới này, toàn tỉnh Thanh Hóa thừa khoảng 170 phó chủ tịch UBND xã. Tỉnh đang nghiên cứu chỉ đạo, bố trí cho làm công chức xã. Nhưng phó chủ tịch cho xuống làm công chức xã như thể giáng chức, chưa kể là nhiều đồng chí không có chuyên môn phù hợp. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu có cách giải quyết. Theo tính toán, Hà Nội cũng có trên 100 phó chủ tịch UBND xã phải sắp xếp lại công việc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm đổi mới công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.