Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Thành tựu to lớn, có ý nghĩa đặc biệt

Quốc Bình| 03/05/2016 06:43

LTS: Chỉ còn ít ngày nữa, cử tri cả nước sẽ tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Bài đầu: Thành tựu to lớn, có ý nghĩa đặc biệt

Khái niệm "Nhà nước pháp quyền" lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994). Hơn 20 năm qua, chúng ta đã hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy nhà nước và đạt được những thành tựu to lớn.

Trong Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994), khái niệm "Nhà nước pháp quyền" lần đầu tiên được ghi nhận chính thức. Đảng xác định: "Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN". Đến nay, kết quả xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng có nhiều tiến bộ. Tổ chức và cơ chế hoạt động của các thiết chế trong bộ máy nhà nước có nhiều đổi mới trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. GS, TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: "Ba mươi năm qua, tiến hành công cuộc đổi mới, xét về phương diện xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước thì thành tựu to lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó là, bước chuyển từ mô hình Nhà nước tập quyền XHCN sang mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là bước đổi mới về chất trong tư duy lý luận về xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước".

Theo GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã có tiến bộ trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Kết quả nghiên cứu tổng kết 30 năm đổi mới của Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: "Quốc hội đổi mới từ bầu cử đại biểu đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động; làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ nâng cao năng lực hành pháp, nâng cao năng lực hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô. Công tác điều hành, quản lý của Chính phủ được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức, bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan bổ trợ tư pháp được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hạn chế tình trạng oan, sai". Nói riêng trong lĩnh vực lập pháp, có ý kiến nhận định, chưa thời kỳ nào số lượng các dự án luật được Quốc hội ban hành nhiều như trong 30 năm đổi mới, gấp 8 lần so với 41 năm trước đó.

Đảng ta khẳng định, dân chủ là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Thể chế thực thi quyền dân chủ của nhân dân đã từng bước được xác lập và cụ thể hóa. Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có bước tiến rõ rệt, thể hiện cụ thể là quyền tự do - tự chủ sản xuất, kinh doanh. Dân chủ hóa về chính trị và các lĩnh vực khác từng bước được thực hiện. Ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ năng lực làm chủ của nhân dân đã được nâng lên. Những bảo đảm dân chủ về quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của chủ thể trong xã hội đã được luật hóa cụ thể hơn và thực hiện từng bước có hiệu quả. Thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp, nhân dân được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Việc ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong cuộc sống hằng ngày. Các hình thức thực hiện dân chủ từng bước được hoàn thiện, đặc biệt được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. GS Hoàng Chí Bảo (chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng: "Trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta đạt được, Dân chủ là một trong những thành tựu nổi bật, được thể hiện trong các lĩnh vực của đời sống, trong công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể nhân dân, cũng như trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ".

Theo PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay có 6 đặc trưng. Đó là: Tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát; pháp luật chi phối mọi quan hệ xã hội; nhà nước pháp quyền phải đảm bảo quyền con người và quyền công dân; xây dựng nhà nước pháp quyền phải tôn trọng luật pháp quốc tế; thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng, Nhà nước ta đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân còn một số khâu chậm đổi mới. Quốc hội còn lúng túng trong việc thực hiện chức năng giám sát. Bộ máy quản lý nhà nước các cấp, nhất là ở cơ sở còn yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận công chức, nhất là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp chậm được khắc phục. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhất là tổ chức hội đồng nhân dân, còn những điểm bất hợp lý. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở nhiều nơi còn mang tính hành chính, hình thức. Dân chủ trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi không nghiêm.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, quyết tâm đổi mới, Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới: "Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN. Đẩy mạnh việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền". Đây là cơ sở để tin tưởng vào những tiến bộ lớn hơn, cụ thể hơn trên con đường xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của chúng ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Thành tựu to lớn, có ý nghĩa đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.