Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016

Võ Lâm| 30/06/2016 15:11

(HNMO) - Sáng nay (30/6), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2016.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Bớt đi tình trạng “đi nhẹ, nói khẽ”

Mở đầu phiên họp, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng GDP quý II ước đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,48% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%. Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp-thuỷ sản ước giảm 0,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,12%; dịch vụ ước tăng 6,35%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,46% so với tháng 5 và tăng 2,35% so với tháng 12-2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 2,4%, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,72%. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 8,23%; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,2% tương đương với tổ độ tăng cùng kỳ năm trước. Bộ trưởng Bộ KHĐT khẳng định, tỷ giá ngoại tệ dao động trong biên độ cho phép. Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại tăng nhẹ trong mấy ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý từ việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, nhưng vẫn trong biên độ cho phép. Lãi suất huy động và cho vay bằng VND và bằng USD tương đối ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cùng theo dõi tình hình tác động vụ Brexit để kịp thời điều chỉnh biến động trên thị trường, không để tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ông cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin thận trọng về tác động của Brexit tránh tâm lý hoang mang, bất lợi cho thị trường.

Tiếp theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Ông Nguyễn Chí Dũng cũng báo cáo Chính phủ về việc sử dụng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm so với năm trước thay vì so với tháng 12 năm trước để đánh giá tình hình lạm phát, bảo đảm đúng thông lệ quốc tế. Để thay đổi cách tính toán này, Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình và tác động của vụ Brexit. Bộ trưởng- Chủ nhiệm VPCP báo cáo về kỷ cương hành chính trong thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, chỉ đạo thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần quyết liệt, năng nổ, bớt “đi nhẹ, nói khẽ” để đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Trước đó, sáng cùng ngày 30-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ. Phiên họp diễn ra trong hai ngày 30-6 và 1-7. Trong phiên làm việc buổi sáng, Chính phủ họp về xây dựng thể chế.

Theo báo cáo do Bộ tưởng Bộ Tư pháp, tính đến ngày 28/6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 56 văn bản quy định chi tiết luật, đạt 32,54%. Về việc xây dựng, ban hành nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, tính đến ngày 28-6, các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình Chính phủ 49/50 văn bản, còn 1 văn bản do Bộ Quốc phòng chủ trì, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Từ nay đến cuối năm 2016, các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành 114 văn bản (25 nghị định, 3 quyết định, 74 thông tư, 12 thông tư liên tịch) quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7; xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành 81 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật và các nội dung được luật giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực sau ngày 1-7.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhận định, áp lực ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong thời gian qua là rất lớn, tuy nhiên, các bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ đã hết sức nỗ lực để hoàn thành 49 nghị định. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Quản lý kinh tế Trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, truyền thông, chuyên gia, người dân đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, giúp các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện các văn bản.

Thủ tướng chỉ đạo về một số nguyên tắc soạn thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật là kiên quyết quán triệt tinh thần không sao chép thông tư cũ vào nghị định mới, doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm, giảm giấy phép con, theo đúng với tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Thủ tướng khẳng định, sự đổi mới này rất quan trọng đối với việc giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta cần nghiêm túc, cầu thị trong công tác xây dựng thể chế, không vì áp lực về tiến độ, số lượng mà bỏ qua chất lượng, cũng như không để buông lỏng quản lý Nhà nước. Tôi đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tập trung vào công tác này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trực tiếp chỉ đạo, bố trí cán bộ, phân công rõ người chủ trì, phối hợp, chịu trách nhiệm chính để hạn chế tình trạng nợ đọng hiện nay.

Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng biến quyết tâm thành hành động cụ thể với tinh thần “Chính phủ kiến tạo chứ không phải chạy theo sự vụ”, tạo môi trường chính sách tốt để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.