Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Nhiều quy định chưa phù hợp

Hà Phong| 30/09/2016 06:18

(HNM) - Theo số liệu công bố cuối tháng 9-2016, sau hơn 6 năm triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN), các cơ quan chức năng đã thụ lý 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, đã giải quyết xong 204 vụ với tổng số tiền Nhà nước bồi thường gần 111,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này còn quá ít so với yêu cầu thực tế do các quy định về bồi thường hiện hành chưa phù hợp và còn phức tạp.


Khó có căn cứ bồi thường thỏa đáng


Bên cạnh việc giải quyết bồi thường 204 vụ việc nêu trên, TAND các cấp đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước, giải quyết xong 39 vụ với số tiền hơn 32,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, 258 vụ việc yêu cầu bồi thường mới chỉ giới hạn ở 3 lĩnh vực là hành chính (22%), tố tụng (63%) và thi hành án (15%). Chưa kể, nhiều vụ giải quyết bồi thường quá chậm chạp.

Một số vụ đã phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng một số cơ quan liên quan né tránh bồi thường, tạo rào cản, gây bức xúc cho người bị thiệt hại và xã hội, dẫn đến một bộ phận người dân không tin tưởng vào cách giải quyết của cơ quan có trách nhiệm. Đơn cử, dù ông Huỳnh Văn Nén (ở Bình Thuận) đã được minh oan sau gần 20 năm ngồi tù oan nhưng thủ tục bồi thường cho ông đang tiến hành rất chậm chạp. Nếu người dân nhận thức được đầy đủ quyền được bồi thường của mình thì chắc chắn sẽ còn nhiều vụ việc khác.

Qua những vụ án oan được công khai xin lỗi gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, chính vì luật chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm trong việc xin lỗi, cải chính công khai, cho nên việc tổ chức thực hiện đối với người bị thiệt hại còn qua loa, hình thức. Trong khi đó, để được bồi thường vật chất, người bị oan, sai lại phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh chi phí, thiệt hại. Đây là vấn đề rất khó khăn, bất cập.

Bởi với trường hợp bị tù giam hàng chục năm thì không thể còn chứng cứ về thăm nuôi, chưa nói đến những mất mát về tinh thần thì không có gì đo đếm được. Việc giới hạn lĩnh vực bồi thường chỉ dừng lại ở 3 lĩnh vực hành chính, tố tụng, thi hành án cũng gián tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, các quy định về bồi thường nên mở rộng dần quyền và lợi ích cân đối giữa cơ quan nhà nước với người có quyền yêu cầu bồi thường.

Sửa luật theo hướng nào?

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật TNBTNN (sửa đổi) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long khẳng định, về nguyên tắc, tất cả các công chức gây thiệt hại, khiến Nhà nước phải bồi thường thì sẽ phải bồi hoàn cho Nhà nước. Song cuộc sống vốn dĩ luôn vận động, biến đổi không ngừng, có những vấn đề luật chưa thể lường hết được, trong đó dự án Luật TNBTNN (sửa đổi) là luật vô cùng khó, phải thiết kế để công chức, viên chức thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi giải quyết công việc, nhưng cũng không quá nặng nề để cán bộ thực thi công vụ, đặc biệt là những người làm việc liên quan đến lĩnh vực pháp lý không chùn tay trong đấu tranh phòng chống tội phạm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, theo dự thảo luật mới nhất, ngoài quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì còn có quy định chi tiết về thiệt hại được bồi thường; cơ quan bồi thường nhà nước; thủ tục giải quyết bồi thường; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm kỷ luật của công chức, viên chức; quản lý nhà nước về công tác bồi thường; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về công tác bồi thường…

Để tránh nhiều cách hiểu khác nhau, dự luật đề xuất: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có hành vi gây thiệt hại có trách nhiệm giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường của mình. Đồng thời, luật liệt kê các trường hợp trong phạm vi phải bồi thường, lượng hóa bằng các công thức tính thiệt hại về vật chất, tinh thần. Về nguyên tắc, việc bồi thường là qua thương lượng.

Dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, cần chú ý thực tiễn hệ thống hành chính của chúng ta, người dân thường khó tiếp xúc với cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước. “Chuyện bồi thường rất khó xử lý, nặng nề. Thông thường người bị hại là người không có quyền lực, làm việc với bên gây hại là cơ quan có quyền lực. Vậy khi bị thiệt hại, sự thương lượng liệu có bảo đảm. Cần quy định làm sao để người dân có thể thương lượng một cách công bằng” - ông Phan Thanh Bình nói.

Thực tế cũng cho thấy, khi giải quyết một vụ việc cụ thể, không loại trừ trường hợp có thể xảy ra sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc thân hữu của các bên và dư luận xã hội. Chính vì thế, cần sự tham gia của đại diện Hội Luật gia và các tổ chức xã hội có chức năng tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho người có yêu cầu bồi thường thiệt hại để bảo đảm tính cân bằng trong quá trình thương lượng, giải quyết.

So với Luật TNBTNN năm 2009, dự án luật sửa đổi đã chỉnh lý 47/67 điều, bỏ 20 điều, quy định mới 37 điều. Quy định đáng chú ý là người bị thiệt hại có thể đề nghị tạm ứng bồi thường ngay. Người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa không quá 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Nhiều quy định chưa phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.