Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một vùng đất nhớ của Thủ đô!

28/10/2016 09:19

(HNM) - Tròn 40 năm thành lập vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng (1976-2016), cũng là ngần ấy năm cái tên “Lâm Hà” từng bước được định hình rồi trở thành nỗi nhớ, niềm xúc động về một biểu tượng cho tình đoàn kết gắn bó giữa Đảng bộ, nhân dân Hà Nội và Lâm Đồng.

“Làng Hà Nội” ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.Ảnh: Minh Tự


Sức người “bắt đất nở hoa”

Xây dựng các vùng kinh tế mới là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta được triển khai ở miền Bắc theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) nhằm tổ chức, phân bố lại lao động và dân cư trong cả nước, thực hiện đưa dân từ các vùng đồng bằng và thành phố đi xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa ở các vùng trung du, miền núi, biên giới, hải đảo. Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã tổ chức vận động, đưa nhân dân đi các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như: Lai Châu, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Hòa Bình,... để mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lương thực, đáp ứng nhu cầu nhân dân và phục vụ tiền tuyến.

Sau khi nước nhà thống nhất, chủ trương này tiếp tục được triển khai trên quy mô cả nước. Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ VII nhiệm kỳ 1976-1980 đã xác định “... Đi đôi với việc xây dựng Thủ đô, chúng ta phải tham gia xây dựng các vùng kinh tế mới... là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của nhân dân Thủ đô trong giai đoạn cách mạng mới... vì lợi ích bản thân của sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đồng thời vì trách nhiệm đóng góp xây dựng cả nước...”. Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tây về việc đưa dân đi xây dựng kinh tế mới tại Lâm Đồng, Sông Bé,... Đoàn Thanh niên của hai địa phương đã huy động hàng nghìn đoàn viên tham gia tiền trạm tại vùng đất Nam Ban - Đức Trọng, Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và khu Bù Gia Mập, Phước Long (tỉnh Sông Bé).

Với truyền thống văn hóa Tràng An và Xứ Đoài, những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây trong các năm từ 1976 đến 1979 và những năm tiếp theo đã phát huy cao tinh thần “Ba sẵn sàng”, náo nức lên đường khai hoang, mở đất biến đồi hoang thành những mảnh đất trù phú. Thanh niên Thủ đô đã phối hợp với bộ đội, công an địa phương vừa tham gia giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đồng thời tích cực chuẩn bị điều kiện thuận lợi để đón nhân dân vào xây dựng vùng kinh tế, sớm ổn định cuộc sống trên quê hương mới. Lực lượng tiền trạm còn làm đường giao thông, khai hoang mở rộng diện tích trồng cây lương thực, cây công nghiệp, làm thủy lợi, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống cho vùng kinh tế mới. Đã có nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên hy sinh khi làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn, chống Fulrô, bị sốt rét ác tính. Những nỗ lực của lực lượng tiền trạm đã góp phần tạo ra cơ sở vật chất, điều kiện thuận lợi để tổ chức đưa đón hàng chục vạn đồng bào miền Bắc vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng của khu kinh tế mới Lâm Đồng.

Cùng với việc gây dựng cơ sở vật chất ban đầu ở khu xây dựng kinh tế mới, mở rộng diện tích đất khai hoang, công tác tổ chức, đưa đón nhân dân Thủ đô vào sinh cơ lập nghiệp trên quê hương mới được hai địa phương Hà Nội và Lâm Đồng phối hợp tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Đầu tiên là những hộ dân của huyện Từ Liêm (tháng 9-1976), tiếp đó là các quận, huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ... đã lên đường vào vùng kinh tế mới. Mang trong mình truyền thống lao động cần cù, kinh nghiệm, trí tuệ, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nỗ lực, không quản ngại khó khăn gian khổ của người Tràng An và Xứ Đoài, họ đã trở thành lực lượng lao động quan trọng, góp phần cùng nhân dân các dân tộc của Lâm Đồng xây dựng quê hương mới.

Những năm đầu xây dựng vùng kinh tế mới biết bao khó khăn, gian khổ. Với phương châm “san người, sẻ của”, “chịu trách nhiệm với người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới đến cùng”, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội đã chỉ đạo sát sao việc tổ chức ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống cho nhân dân, quyết tâm xây dựng thành công vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Mặt khác, thành phố nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất tiên tiến, áp dụng các mô hình kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế gia đình, đưa kinh nghiệm, cây, con giống của một số làng nghề truyền thống của Thủ đô như: Đào Nhật Tân, lụa Vạn Phúc, hoa Ngọc Hà,... để phổ biến rộng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó, trách nhiệm của Hà Nội dành cho những người con đi lập nghiệp nơi xa, trong 40 năm qua, thành phố đã đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao, đường giao thông,... từng bước tạo nên diện mạo khang trang cho vùng kinh tế mới. Chỉ tính từ năm 2004 đến 2015, TP Hà Nội và các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố đã hỗ trợ hơn 258 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo các công trình phục vụ dân sinh, đầu tư máy móc, thiết bị, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách của huyện Lâm Hà... Không chỉ vậy, thành phố còn lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm, uy tín, trách nhiệm, nhiệt tình cách mạng, có trình độ chuyên môn làm nòng cốt để xây dựng đội ngũ cán bộ cho vùng kinh tế mới, đóng góp quan trọng vào sự trưởng thành của các thế hệ cán bộ của huyện Lâm Hà hôm nay.

Không phụ công người, những vùng đất cằn cỗi ở Lâm Đồng đã “nở hoa”. Sự quan tâm của Đảng bộ Hà Nội cộng với sự nỗ lực bền bỉ và ý chí kiên cường, người dân Thủ đô và các dân tộc của Lâm Đồng đã đưa vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng trở thành mô hình xây dựng vùng kinh tế mới lớn nhất, thành công nhất của cả nước và để lại những bài học kinh nghiệm quý về nhiều mặt. Cái tên “Lâm Hà” đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết gắn bó giữa Đảng bộ, nhân dân Hà Nội và Lâm Đồng - là tài sản vô giá làm nên sức mạnh tinh thần giúp chúng ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mãi thân thương một phần máu thịt của Thủ đô

Đến với Lâm Hà hôm nay, mỗi người đều ấn tượng và tự hào về sự phát triển của một vùng đất, từ nơi có dân cư thưa thớt, an ninh chưa bảo đảm xưa kia đã nhanh chóng vươn lên trở thành vùng kinh tế trù phú, giàu tiềm năng và ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng. Vùng kinh tế mới Hà Nội năm xưa, hôm nay đã thực sự là vùng đất lành, đón thêm nhân dân từ mọi miền Tổ quốc đến sinh sống và lập nghiệp đang sát cánh, đồng lòng với đồng bào các dân tộc góp sức dựng xây cuộc sống mới trên vùng đất cao nguyên.

Đặc biệt, với sự chung tay góp sức của người Hà Nội và người Lâm Đồng, mảnh đất cao nguyên hôm nay mang đậm tinh thần Hà Nội, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của vùng đất đỏ ba-zan mà không phải nơi nào cũng có được. Từ những địa danh như: Ba Đình, Đống Đa, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh,... cho đến những món ăn truyền thống của Thủ đô như: Phở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, rượu Cát Quế - Hoài Đức,... tất cả góp phần làm nên một “hương vị đặc biệt” riêng có trên cao nguyên Lâm Viên. Nhịp sống đô thị sôi động, khí thế Thăng Long - Hà Nội đã và đang hòa quyện trong dòng chảy văn hóa của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Hà Nội tự hào vì có Lâm Hà, tự hào về một địa phương mà ở đó mỗi người dân đều mang đậm “chất Hà Nội”, “phong thái Hà Nội”, nết ăn nết ở của đất Tràng An và Xứ Đoài kết hợp với văn hóa truyền thống mang bản sắc Tây Nguyên đã và đang hòa chung với xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế.

Thực tiễn của 40 năm xây dựng vùng kinh tế mới, gần 30 năm thành lập huyện Lâm Hà đã khẳng định: Một vùng quê mới tươi đẹp được hình thành và có những bước phát triển vững chắc. Những gì Đảng bộ, nhân dân Lâm Hà đã và đang làm được hôm nay sẽ là những nhân tố bảo đảm cho sự lớn mạnh về mọi mặt trong những chặng đường tiếp theo.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn coi Lâm Hà là một phần máu thịt thiêng liêng. Với nhận thức sâu sắc đó, đồng thời với tình cảm và trách nhiệm “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, TP Hà Nội và các địa phương của Thủ đô sẽ luôn đồng hành trong mỗi bước phát triển của Lâm Hà, tiếp tục hỗ trợ sức người, sức của, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Lâm Đồng và Hà Nội.

NGÔ THỊ THANH HẰNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một vùng đất nhớ của Thủ đô!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.