Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 10: Hà Đông, Sơn Tây - hậu phương trực tiếp của mặt trận Hà Nội

TS Dương Văn Khoa - ThS Lê Minh Nam| 07/12/2016 06:23

(HNM) - 60 ngày đêm chiến đấu giam chân địch trong TP Hà Nội là thiên anh hùng ca bất hủ về ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân Việt Nam.


Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, Hà Đông, Sơn Tây đóng vai trò là hậu phương trực tiếp cung cấp kịp thời nguồn lương thực, thực phẩm cũng như lực lượng vũ trang to lớn cho mặt trận Hà Nội. Các xã, huyện thuộc tỉnh Hà Đông, Sơn Tây đều thành lập Ban tiếp tế để chi viện và phục vụ chiến đấu trong thành phố; đồng thời tổ chức các kho lương thực ở ven sông Nhuệ, Thanh Liệt, Mễ Trì... Quân và dân Hà Đông, Sơn Tây hết lòng đón tiếp, giúp đỡ các cơ quan cùng hàng vạn đồng bào ở Hà Nội tản cư. Nhân dân còn huy động hàng vạn ngày công để xây dựng các phòng tuyến chiến đấu, đắp ụ trên các tuyến giao thông, làm vật cản ngăn địch vận chuyển bằng đường thủy trên các tuyến sông lớn, và cắm cọc nhọn ở các khu đất rộng để đề phòng địch nhảy dù. Bên cạnh đó, sẵn sàng thực hiện “vườn không nhà trống”, tổ chức đánh địch khi cần thiết...

Cùng với việc gấp rút chuẩn bị kháng chiến ở địa phương, quân dân Sơn Tây, Hà Đông còn góp phần cùng đồng bào Thủ đô chuẩn bị thế trận chiến đấu. Ngay trong đêm 19-12-1946, khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến nổ ra, Tỉnh ủy Sơn Tây đã tổ chức cuộc mít tinh tại vườn hoa trung tâm với trên 3.000 người tham gia, biểu thị quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân trong tỉnh và ủng hộ đồng bào Hà Nội. Phối hợp cùng Mặt trận Hà Nội, quân dân Hà Đông, Sơn Tây đã tổ chức đợt nghi binh để đánh lạc hướng phán đoán của thực dân Pháp về ý định tác chiến và lực lượng của ta. Khi màn đêm buông xuống, hàng nghìn dân quân từ phía Nam tiến ra, từ phía Tây tiến xuống rầm rập kéo vào Thủ đô và bí mật rút khỏi vào rạng sáng hôm sau. Hoạt động này khiến cho địch hết sức lo ngại, là sự hỗ trợ cần thiết cho cuộc chiến đấu trong nội thành...

Không chỉ tổ chức lực lượng ở vòng ngoài, quân dân Hà Đông, Sơn Tây còn chi viện các đơn vị vũ trang bổ sung sức mạnh chiến đấu cho Mặt trận Hà Nội. Vào đầu tháng 12-1946, chấp hành Chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy, Tiểu đoàn 56 (Trung đoàn 11, Hà Đông) đưa hai đại đội vào nội thành phối hợp chiến đấu với quân dân Thủ đô. Đại đội 1 tổ chức phòng ngự trên trục đường Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn; Đại đội 3 phòng ngự chiến đấu ở khu vực Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa. Đến ngày 21-12-1946, Tiểu đoàn 56 tiếp tục đưa thêm hai đại đội vào phối hợp chiến đấu cùng quân dân Hà Nội... Cùng lúc, các đơn vị tự vệ chiến đấu của các huyện Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai... tiến vào các cửa ô tham gia chặn đánh địch. Để tiếp tục giam chân địch ở Thủ đô, Bộ Tổng chỉ huy quyết định tăng cường cho Mặt trận Hà Nội hai tiểu đoàn: Tiểu đoàn 45 (Trung đoàn 9, Sơn Tây) làm đội dự bị chung của mặt trận, bố trí trên trục đường Thái Hà Ấp - Hà Đông và Tiểu đoàn 64 (Trung đoàn 13, Hà Đông) đánh địch trên trục đường Kim Liên - Cống Vọng... Đầu tháng 3-1947, quân và dân Hà Đông, Sơn Tây tiếp tục đánh địch khi chúng tổ chức càn quét ra ngoại vi Hà Nội và giành nhiều thắng lợi lớn.

Địa bàn Hà Đông, Sơn Tây nằm liền kề với Mặt trận Hà Nội, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với Tây Bắc, Việt Bắc nên trở thành điểm trung chuyển quan trọng của cuộc tổng di chuyển từ Thủ đô lên chiến khu. Lúc này, vùng đất Sơn Tây, Hà Đông trở thành đầu mối trung chuyển: Từ Hà Nội ra và từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định lên. Từ Ninh Bình trở ra, máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu được tập kết về Ứng Hòa (Hà Đông) sau đó được chuyển dần lên Việt Bắc. Trên các bến Mải, bến Mía, bến Mỗ, bến Tầu (Sơn Tây), hàng nghìn dân công không quản ngày đêm tham gia bốc dỡ, vận chuyển gạo, muối, thuốc men, đạn dược... từ miền xuôi lên miền ngược. Trong thời gian này, nhiều khu vực trên địa bàn hai tỉnh và các làng xã ven đường số 22, 6A, 11... trở thành những trạm trung chuyển trên con đường vận chuyển của ta ở hữu ngạn sông Hồng.

Vào cuối năm 1946, hàng nghìn dân công Hà Đông, Sơn Tây cùng nhân dân các tỉnh bạn tiến hành vận chuyển muối từ Văn Lý (Lý Nhân, Hà Nam) ngược sông Đáy đến Vân Đình, lên Ba Thá, sau đó được chuyển qua sông Bùi đến cầu Ái Mỗ (Sơn Tây), ngược lên Phú Thọ, Tuyên Quang. Nhờ nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành, trong đó có nhân dân Hà Đông, Sơn Tây, quân và dân ta ở các khu căn cứ đã được bổ sung nguồn cung cấp muối tương đối đầy đủ. Với sự giúp đỡ tận tình của nhân dân Hà Đông, Sơn Tây, Ban Quản lý Bộ Tổng tham mưu đã tập kết 2 triệu đồng bạc giấy cùng 100 thỏi bạc về Chương Mỹ và vận chuyển lên căn cứ Việt Bắc an toàn.

Vừa tổ chức phối hợp cùng đồng bào Hà Nội giam chân địch ở Thủ đô, cán bộ, đảng viên lực lượng tự vệ và đông đảo nhân dân Sơn Tây, Hà Đông còn tích cực tham gia tháo gỡ, vận chuyển máy móc, kho tàng của Chính phủ từ Thủ đô Hà Nội theo đường số 11, số 6A, số 21 để lên Hòa Bình, sang Phú Thọ, đi Việt Bắc. Để bảo đảm an toàn tuyến đường vận chuyển, các tỉnh ủy Hà Đông, Sơn Tây còn phân công một số đồng chí cán bộ có năng lực tham gia xây dựng đường dây liên lạc bí mật nối từ Hà Đông qua Sơn Tây lên Việt Bắc. Trong giá rét những ngày cuối năm, nhân dân Hà Đông, Sơn Tây đã tích cực thực hiện vai trò trung chuyển, góp công, góp sức để đưa hàng vạn tấn vũ khí, máy móc, nguyên liệu, vật tư chiến lược về đến chiến khu an toàn, tạo tiền đề để phát triển tiềm lực lâu dài cho cuộc kháng chiến.

Cùng với đó, hai địa phương được Chính phủ xây dựng kế hoạch để tiếp nhận được khoảng 3 vạn người đến tản cư khi chiến tranh xảy ra. Phát huy vai trò hậu phương trực tiếp, Hà Đông, Sơn Tây đã huy động đến mức cao nhất nguồn nhân lực, vật lực cung ứng cho Mặt trận Hà Nội, đồng thời, trở thành địa bàn đứng chân an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến, và điểm tập kết chiến lược của cuộc tổng di chuyển từ Thủ đô về căn cứ địa Việt Bắc. Nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng, giúp đỡ tận tình của hậu phương Hà Đông, Sơn Tây, nhân dân Thủ đô đã bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của địch, thực hiện thành công nhiệm vụ giam chân địch trong thành phố, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cả nước chuyển sang thời chiến, bước vào cuộc Toàn quốc kháng chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 10: Hà Đông, Sơn Tây - hậu phương trực tiếp của mặt trận Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.