Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực và chuyển biến mới

Quốc Bình| 10/01/2017 07:24

(HNM) - Tại hội nghị giao ban quý IV-2016 với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ban, ngành thành phố, Thành ủy Hà Nội đã chính thức triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn TP Hà Nội”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố. Ảnh: Viết Thành


Việc triển khai thực hiện Chỉ thị được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực, chuyển biến mới ở một lĩnh vực khó khăn và phức tạp hàng đầu tại Hà Nội những năm qua.

Vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Có thể nói, tiếp dân, giải quyết KNTC là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 2016, công tác tiếp dân và giải quyết KNTC nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Sự tích cực vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng đã giải quyết 2.818/3.178 vụ KNTC, đạt tỷ lệ 88,7%. Nhiều vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người liên quan đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất dịch vụ, đất giãn dân, dồn điền, đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... được tập trung giải quyết dứt điểm theo đúng quy trình, có lý, có tình, tạo thống nhất cao trong nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình KNTC còn diễn biến phức tạp, nhất là KNTC đông người, kéo dài, vượt cấp ở một số địa phương. Từ tình hình trên, ngày 16-12-2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC trên địa bàn TP Hà Nội”. Tinh thần vào cuộc, sự hưởng ứng của các cấp ủy, chính quyền địa phương ngay sau khi Thành ủy Hà Nội triển khai Chỉ thị rất tích cực.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU, huyện sẽ tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, trong đó tập trung tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở nhằm hạn chế tối đa những vụ việc kéo dài dẫn đến KNTC vượt cấp. Năm 2017, gắn với thực hiện Chỉ thị, huyện sẽ phát động trong toàn Đảng bộ huyện thực hiện phương châm “3 sạch”. Đó là “cán bộ trong sạch” (liêm khiết, trách nhiệm, hiệu quả), “môi trường sạch” và “nền nông nghiệp sạch”.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU, năm 2017, quận sẽ chọn trọng tâm là tiếp công dân, giải quyết KNTC lĩnh vực đô thị, giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ khẳng định, thời gian tới, huyện sẽ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, làm sao bảo đảm giải quyết đúng trình tự, thời gian, tập trung những vụ khiếu nại đông người, phức tạp. Huyện sẽ quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết đơn thư...

Quy rõ trách nhiệm

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Chỉ thị 15-CT/TU, lãnh đạo một số địa phương cũng đã có kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan thành phố. Nổi bật là kiến nghị thành phố có hướng dẫn về quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, nội chính để tăng cường sự tuân thủ pháp luật trong giải quyết KNTC. Khi quận, huyện, thị xã có văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành thành phố liên quan đến giải quyết đơn thư KNTC của công dân thì cần sớm trả lời cụ thể, rõ ràng. Thanh tra thành phố tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trong tiếp dân, giải quyết KNTC. Đáng chú ý, có ý kiến đề xuất thành phố và các cơ quan trung ương cần quyết liệt thực hiện các chế tài xử lý những trường hợp công dân thường xuyên KNTC vượt cấp những nội dung không chính xác...

Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng nhận định, để làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, hơn ai hết, thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với công tác này; từ đó tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền ngay tại cơ sở, không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Giải quyết KNTC phải dứt điểm chứ không chỉ giải quyết hết thẩm quyền. Cần coi trọng phòng ngừa KNTC phát sinh và khi đã phát sinh rồi thì phải giải quyết chính xác, kịp thời.

Để phòng ngừa KNTC phát sinh, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cần làm tốt công tác quản lý nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất hay thực hiện các chủ trương về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi mô hình chợ truyền thống. Đây là những lĩnh vực thường xuyên phát sinh KNTC đông người, phức tạp.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, đối với các quận, huyện, thị xã, tùy theo đặc điểm tình hình, không nhất thiết phải thành lập Ban chỉ đạo. Nhưng dù thành lập Ban chỉ đạo hay không, đồng chí bí thư, ban thường vụ quận, huyện, thị ủy phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn. Trong khi đó, theo Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng, năm 2017, Thanh tra thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các đơn vị trong việc tiếp dân, xử lý đơn và giải quyết KNTC để chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; báo cáo thành phố xử lý nghiêm theo quy định những trường hợp không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố như tinh thần Chỉ thị 15-CT/TU.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực và chuyển biến mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.