Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nóng" vấn đề đào tạo và chính sách thu hút nhân tài

Hà Phong, Ảnh: Viết Thành| 19/03/2017 16:04

(HNMO) - Sáng 19-3, lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề: Thanh niên Thủ đô với việc học tập, việc làm và khởi nghiệp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị.


Đào tạo và hướng nghiệp cho thanh niên là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm hơn cả. Phát biểu đầu tiên, cử tri Lê Xuân Hải, sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu: Sinh viên nhiều trường đại học đang tham gia các chương trình khởi nghiệp trên lý thuyết. Nhiều bạn có những đề án rất hay, được giải cao nhưng lại không có vốn, chưa có môi trường để phát triển ý tưởng. Bí thư Đoàn xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Thắng cũng phản ánh, điều kiện nguồn lực, đặc biệt là vốn đầu tư cho khởi nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn vì thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội thì nguồn vốn vay rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của thanh niên.

Các bạn Lê Xuân Hải, Nguyễn Văn Thắng mong muốn, các vị ĐBQH và lãnh đạo thành phố quan tâm, có các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các dự án của sinh viên, thanh niên để hình thành một cộng đồng khởi nghiệp thống nhất, chặt chẽ, tạo nên sức mạnh thúc đẩy doanh nghiệp phát triển về số lượng, chất lượng.

Cho rằng công tác hướng nghiệp hiện nay chưa hiệu quả, cử tri Đỗ Văn Huy, sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao nêu thực trạng, nhiều học sinh THPT đua nhau thi vào các trường đại học, mặc dù nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp còn chưa có việc làm. Điều này rất lãng phí thời gian và nguồn lực. Cử tri Đỗ Văn Huy đề xuất: “Thực tế ở trường em, những sinh viên năm cuối, có tay nghề cao đã được các nhà tuyển dụng rất uy tín chủ động tìm tới để đặt vấn đề tuyển dụng ngay khi tốt nghiệp với mức lương cũng rất hấp dẫn. Nên chăng, thành phố cần tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách để thanh niên được thụ hưởng nhiều ưu tiên khi tham gia học nghề và xin việc làm sau khi học nghề. Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD-ĐT tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo về khoa học, công nghệ, gắn lý thuyết với thực hành, nhất là những năm cuối, giúp học viên có kiến thức, kỹ năng để khi ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc”.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri với các bạn thanh niên Thủ đô.


Bổ sung thêm, sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tú Linh chia sẻ, đất nước đang rất cần công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, trong khi thị trường “thừa thầy, thiếu thợ”. Vấn đề này đòi hỏi bên cạnh việc bổ sung chính sách ưu đãi, phải phân luồng ngay từ cấp THPT

Theo Nguyễn Tú Linh, thành phố cũng cần quan tâm đến một lượng không nhỏ sinh viên “5 tốt” cấp thành phố, trung ương vì đây là những sinh viên xuất sắc toàn diện. Một trong những hoạt động hỗ trợ có thể là cho sinh viên được có cơ hội thực tập tại các sở, ban, ngành theo đúng lĩnh vực chuyên môn thành phố đang có nhu cầu. Sau quá trình thực tập, nếu như cơ quan có nhu cầu tuyển dụng nhân sự, có thể tuyển những sinh viên này vào làm việc chính thức tại các vị trí đó để họ có thể bắt nhịp ngay với công việc…

Cũng tại buổi gặp gỡ, câu chuyện rất thời sự những ngày gần đây về xâm hại tình dục trẻ em đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Cử tri Bùi Tố Kiều Trang, học sinh lớp 10A15, Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa đề xuất, đưa nội dung giáo dục trẻ em về cách phòng chống bị xâm hại vào chương trình giáo dục; có biện pháp xử phạt nghiêm minh với các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em nữ.

Đến từ Đại học Luật Hà Nội, sinh viên năm thứ ba Bùi Công Duy Linh, đặc biệt quan tâm Luật Thủ đô và Luật Thanh niên. Cử tri này cho rằng, Luật Thanh niên được ban hành cách đây hơn 10 năm nhưng chưa thực sự đi vào đời sống vì các quy định còn chung chung, trùng lặp với các quy định của luật khác. Với Luật Thủ đô và các văn bản liên quan được xây dựng với mục tiêu tạo đột phá giúp Thủ đô phát triển bền vững, vấn đề thu hút tài năng trẻ và xây dựng môi trường khởi nghiệp cho thanh niên chưa được thể hiện rõ ràng. Đáng quan tâm, nhiều sinh viên không có hộ khẩu Hà Nội khó xin được việc làm tốt ở Thủ đô.

Vấn đề phát triển đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên; chính sách hỗ trợ ký túc xá, nhà ở cho sinh viên; doanh nghiệp khởi nghiệp và vấn đề liên quan đến quy hoạch của Hà Nội; nguồn vốn, đất đai, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp; tạo điều kiện về việc làm cho cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn... cũng được các cử tri trẻ đề cập.


Lắng nghe các ý kiến cử tri, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hoàng Trung Hải ghi nhận, nhu cầu của thanh niên hết sức lớn. Những nội dung cử tri trẻ đề cập không chỉ là đề xuất những vấn đề được quan tâm mà còn hàm chứa trong đó sự mong đợi, chia sẻ, tiếp thêm niềm tin để họ biến ước mơ, hoài bão, dự định trở thành hiện thực. Đồng chí nhấn mạnh, với vị trí Thủ đô của đất nước, Hà Nội là nơi tập trung đông nhất các học viện, trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều trường đào tạo hàng đầu cả nước. Đây không chỉ là lợi thế lớn, mà còn là nguồn lực, tài sản vô cùng quý giá, đã, đang và sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô.

Thực tế thời gian qua, dù thành phố là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong các hoạt động tập hợp, thu hút nhân tài, tạo ra cơ hội khởi nghiệp nhưng vẫn cần cải tiến hơn nữa. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị, lãnh đạo thành phố, sở, ngành cần thắp sáng ngọn lửa khởi nghiệp cho thanh niên bằng những chính sách hữu hiệu, thiết thực, tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên có cơ hội khởi nghiệp vươn tới thành công; tiếp tục xây dựng kho dữ liệu mở hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp.

Bí thư Thành uỷ cũng yêu cầu các ĐBQH tiếp thu đầy đủ, chọn lọc và truyền tải các ý kiến, kiến nghị của thanh niên tới diễn đàn Quốc hội trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, cũng như giám sát việc thực hiện chương trình khởi nghiệp Quốc gia một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" vấn đề đào tạo và chính sách thu hút nhân tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.